GọiĐặt hẹn

10 điều bạn cần biết về bệnh Viêm Gan B

Bệnh viêm gan siêu vi B (gọi tắt là bệnh viêm gan B) do virut viêm gan B (HBV) gây ra và được mệnh danh là sát thủ thầm lặng. Đây là bệnh khá phổ biến và là vấn đề nghiêm trọng cho sức khỏe cộng đồng trên toàn thế giới. Nếu không được chủng ngừa, nhiễm viêm gan B có thể dẫn đến xơ gan, ung thư gan và tử vong. Tại Việt Nam, cứ 8 người thì có 1 người nhiễm viêm gan B.

Bệnh viêm gan B được mệnh danh là sát thủ thầm lặng.

1. Viêm gan B là gì?

Viêm gan B là sự nhiễm trùng gan do siêu vi viêm gan B gây ra. Viêm gan B có thể làm tổn thương gan và gây ung thư gan. Bệnh thường không có triệu chứng, phần lớn người bệnh không có biểu hiện gì và vẫn sinh hoạt bình thường, chỉ phát hiện khi tình cờ đi làm xét nghiệm máu. Tại nhiều quốc gia, cách lây truyền viêm gan B phổ biến nhất là từ mẹ sang con trong khi sinh.

2. Viêm gan – những điều căn bản cần biết

  • Chữ ‘viêm gan’ có nghĩa là bị sưng gan. Gan giữ vai trò quan trọng đối với sức khỏe. Khi bị sưng hoặc tổn thương, gan có thể sẽ không hoạt động bình thường và điều này có thể ảnh hưởng đến sức khỏe của bạn.
  • Rượu, các loại ma túy và siêu vi có thể gây ra chứng viêm gan. Tại Úc, siêu vi phổ biến nhất gây viêm gan là siêu vi viêm gan A, siêu vi viêm gan B và siêu vi viêm gan C. Các loại siêu vi này khác nhau, nhưng có một điểm giống nhau duy nhất là chúng đều ảnh hưởng đến lá gan.
  • Viêm gan A lây truyền qua thực phẩm và nước bị nhiễm trùng. Sau một thời gian ngắn, siêu vi tự động bị loại ra khỏi cơ thể. Có thuốc chủng ngừa cho viêm gan A.
  • Viêm gan C lây truyền qua đường máu tiếp xúc với máu và có thể gây tổn thương gan hoặc ung thư gan. Có thuốc điều trị nhưng không có thuốc chủng ngừa cho viêm gan C.
  • Tập sách nhỏ này bao gồm những thông tin về viêm gan B. Có thuốc chủng ngừa cho viêm gan B và thuốc điều trị cho những người đã mắc bệnh.

3. Tại sao bạn mắc bệnh viêm gan B?

Siêu vi viêm gan B được tìm thấy trong dịch tiết của cơ thể như máu, tinh dịch và dịch tiết âm đạo. Việc lây viêm gan B chỉ xảy ra khi dịch tiết của người mắc bệnh đi vào cơ thể của người khác. Ngay cả lượng dịch tiết rất nhỏ cũng có thể lây truyền siêu vi.

Tuổi nhiễm bệnh viêm gan B càng nhỏ thì nguy cơ viêm gan B mãn tính lúc trưởng thành càng cao. Điều này xảy ra qua những cách thông thường nhất như:

  • Trong lúc sanh, từ người mẹ nhiễm bệnh sang con, đặc biệt tại những nước đang phát triển.
  • Qua các vết thương nhiễm trùng hoặc vết cắt không được băng bó.
  • Người lớn nhiễm siêu vi qua những cách phổ biến nhất như: Không dùng bao cao su khi có quan hệ tình
    dục với người mắc viêm gan B, dùng chung dụng cụ tiêm chích ma túy.
  • Việc dùng chung các vật dụng cá nhân như dao cạo râu, bàn chải đánh răng hoặc các vật dụng có thể dính máu.
  • Tiêm chích, chăm sóc răng và y tế tại những nước thiết bị y tế không được diệt trùng đúng cách.
  • Truyền máu tại những quốc gia nơi máu không được kiểm tra xem có viêm gan B hay không.
  • Những phương pháp trị bệnh cổ truyền có nguy cơ tiếp xúc với máu như châm cứu.
  • Việc dùng dụng cụ xâm mình không được diệt trùng đúng cách. Điều này bao gồm cả việc xâm thẩm mỹ.

4. Bạn không thể mắc viêm gan B qua:

  • Ho
  • Ôm nhau
  • Bị côn trùng chích
  • Dùng chung phòng tắm, phòng vệ sinh
  • Dùng chung vật dụng làm bếp và chén đũa
  • Tắm chung hồ bơi
  • Việc cho trẻ bú sữa mẹ, nhất là các bé đã được chủng ngừa viêm gan B, thì an toàn.

5. Điều gì xảy ra khi bạn bị viêm gan B?

Viêm gan B có 2 loại: cấp tính hoặc mãn tính. Đối với người lớn, hầu hết sau khi nhiễm siêu vi viêm gan B, sẽ loại được siêu vi trong vòng 6 tháng và trở nên miễn nhiễm đối với siêu vi. Một khi đã loại được siêu vi, họ không thể mắc bệnh viêm gan B trở lại và không thể lây cho người khác. Trường hợp này được gọi là viêm gan B cấp tính.

Khi thời gian nhiễm bệnh kéo dài hơn 6 tháng có nghiã là người bệnh đã bị viêm gan mãn tính. 90% trẻ em mắc viêm gan B sẽ bị nhiễm trùng mãn tính gây tổn thương gan, suy gan (gan không thể hoạt động bình thường) và đôi khi dẫn đến ung thư gan khi trưởng thành.

6. Tuổi nhiễm bệnh

Số người ước tính sẽ bị viêm gan B mãn tính

Tuổi nhiễm bệnh viêm gan B càng nhỏ thì nguy cơ tổn thương và ung thư gan lúc trưởng thành càng cao. Phần lớn những người mắc viêm gan B mãn tính tại Úc sinh ra ở nước ngoài và nhiễm bệnh từ khi còn sơ sinh hoặc ấu thơ.

7. Viêm gan B và sức khỏe của bạn

Nếu bạn bị viêm gan B mãn tính, bạn cần gặp bác sĩ của bạn ít nhất mỗi năm một lần vì gan có thể bị tổn thương bất cứ lúc nào. Bác sĩ sẽ cho bạn lời khuyên tốt nhất về cách chăm sóc bản thân và lá gan của mình. Họ cũng cho biết bạn có cần uống thuốc không và nếu cần, họ sẽ giới thiệu bạn đến bác sĩ chuyên khoa về gan. Đa số người mắc viêm gan B sống khỏe mạnh và không bao giờ cần uống thuốc chữa viêm gan B.

8. Để giúp cho gan của bạn, hãy:

  • Uống ít rượu hơn hoặc không uống rượu
  • Ăn uống đầy đủ dinh dưỡng và lành mạnh, tránh ăn nhiều chất béo
  • Duy trì trọng lượng cơ thể khỏe mạnh
  • Không hút hoặc hút thuốc ít hơn
  • Tập thể dục đều đặn
  • Kiểm soát sự căng thẳng, tìm kiếm sự giúp đỡ và nghỉ ngơi đầy đủ
  • Chủng ngừa viêm gan A để ngăn ngừa việc bị lây nhiễm những siêu vi viêm gan khác, có thể gây nên bệnh viêm gan trầm trọng.

9. Không hề có chuyện ‘người mang mầm bệnh khỏe mạnh’

Viêm gan B mãn tính là một căn bệnh phức tạp thay đổi theo thời gian,bao gồm những lúc gan không bị tổn thương. Trong quá khứ, những người trải qua các giai đoạn này đôi khi được gọi là “người mang mầm bệnh khỏe mạnh”. Tuy nhiên, căn bệnh có thể diễn tiến mà bạn không hề hay biết và bạn có nguy cơ bị tổn thương gan hoặc xơ gan. Hiện nay, chúng ta biết là không hề có chuyện ‘người mang mầm bệnh khỏe mạnh’. Cách duy nhất là theo dõi gan đều đặn để biết chứng viêm gan B mãn tính đang ảnh hưởng lên gan của bạn như thế nào. Ngay cả khi trong quá khứ, bạn được cho biết mình là ‘người mang mầm bệnh khỏe mạnh’, bạn vẫn cần gặp bác sĩ để kiểm tra mỗi năm một lần.

10. Làm sao ngăn ngừa viêm gan B?

Chủng ngừa là cách tốt nhất để gia đình và những người thân của bạn không mắc viêm gan B.

Những việc khác mà chúng ta có thể làm để ngăn ngừa sự lây nhiễm viêm gan B:

  • Tránh để máu tiếp xúc với máu: không dùng chung dao cạo, bàn chải đánh răng và các vật dụng cá nhân khác.
  • Băng lại các vết thương hở và dùng thuốc tẩy lau sạch các vết máu. Đừng để người khác chạm vào vết thương hoặc máu của bạn trừ khi họ mang găng tay.
  • Bỏ những đồ dùng vệ sinh cá nhân như khăn giấy, băng vệ sinh, băng cá nhân và bông băng đã dùng vào túi nhựa đóng kín.
  • Dùng bao cao su khi quan hệ tình dục.
  • Không dùng chung kim và bất cứ dụng cụ nào để chích ma túy.

Lời kết

Hiện tại, Phòng khám chuyên khoa Gan Tâm Đức có gói khám chuyên sâu tầm soát bệnh lý gan mật. Danh mục khám được xây dựng trên nhu cầu thực tế, phát hiện sớm các bệnh lý viên gan B, C, gan nhiễm mỡ, xơ gan… giúp người bệnh theo dõi, đánh giá sức khỏe lá gan để có hướng điều chỉnh, chữa trị thích hợp nhất. Để được tư vấn thêm thông tin, vui lòng liên hệ Tổng đài tư vấn của Phòng khám chuyên khoa gan Tâm Đức để được bác sĩ chuyên khoa tư vấn Miễn phí – 0967888943

Đặc biệt, nếu Quý vị có nhu cầu khám và điều trị các bệnh gan (viêm gan B, viêm gan C, tăng men gan, gan nhiễm mỡ, xơ gan…), xin vui lòng đăng ký trước để được bác sĩ chuyên khoa thăm khám và điều trị trực tiếp – Điện thoại đặt hẹn: (028) 62675991

Phòng khám chuyên Gan Tâm Đức

Đánh giá

Bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Scroll to Top