GọiĐặt hẹn

Các bệnh về gan thường gặp ở người cao tuổi

Cùng với tuổi tác, sức khỏe lá gan của người cao tuổi ngày càng dễ bị tổn thương, xơ hóa. Do đó, người cao tuổi dễ có nguy cơ bị một số bệnh gan cũng như dễ có nguy cơ bị những biến chứng nặng như suy gan, xơ gan, ung thư gan…

cac benh gan thuong gap o nguoi cao tuoi nguoi gia
Lão hóa làm giảm khả năng tái tạo, làm chậm đáng kể sự phục hồi chức năng vì vậy gan dễ bị tổn thương, dễ bị xơ hóa.

Theo quy luật của tự nhiên, càng lớn tuổi các hoạt động cơ thể ngày càng suy yếu, người cao tuổi sẽ phải đối diện với gánh nặng bệnh tật, dễ bị nhiều bệnh cùng một lúc, đặc biệt là các bệnh mạn tính. Người cao tuổi sẽ suy giảm khả năng duy trì cân bằng cuộc sống, cân bằng cơ thể, dẫn đến rối loạn cấu trúc và suy giảm chức năng của tất cả các cơ quan.

Lão hóa ở người cao tuổi là yếu tố nguy cơ chính của hầu hết các bệnh cấp và mạn tính. Gan là cơ quan lớn nhất và đảm nhiệm nhiều chức năng nhất của cơ thể, cùng với sự lão hóa các bộ phận trong cơ thể, gan của người cao tuổi cũng bị nhiều biến đổi, lão hóa làm giảm khả năng tái tạo, làm chậm đáng kể sự phục hồi chức năng vì vậy gan dễ bị tổn thương, dễ bị xơ hóa.

Lão hóa có liên quan đến mức độ nghiêm trọng và tiên lượng xấu của các bệnh gan khác nhau do:

  • Khối lượng gan giảm 20% – 40%, lưu lượng máu nuôi gan giảm 35% – 50%, khả năng tái tạo gan giảm,…dẫn đến giảm thể tích gan, suy giảm chức năng gan liên quan đến tuổi. Ở người cao tuổi dễ có tình trạng Albumin máu giảm, men gan tăng, Bilirubin máu tăng,…
  • Giảm hoạt động hệ thống men cytochrom P450 là men chính tham gia trong quá trình chuyển hóa thuốc, hóa chất dẫn đến giảm chuyển hóa thuốc, hóa chất ở gan dễ gây tổn thương gan do thuốc, do thực phẩm và do các hóa chất độc hại.
  • Phản ứng miễn dịch chống lại mầm bệnh và các tế bào ác tính suy yếu, ở người cao tuổi dễ có nguy cơ bùng phát viêm gan vi trùng, viêm gan virus, bệnh gan tự miễn, gan nhiễm mỡ,…Đồng thời suy giảm giám sát miễn dịch cũng liên quan đến sự phát triển của ung thư biểu mô tế bào gan.

Nhiều thống kê hiện nay ghi nhận tỷ lệ mắc bệnh gan mạn tính đang gia tăng ở người cao tuổi. Khởi phát ngấm ngầm, triệu chứng mơ hồ, biểu hiện không rõ ràng nhưng bệnh gan ở người cao tuổi lại đưa đến nhiều biến chứng nặng, các phương pháp điều trị ít hiệu quả, khó điều trị, khó phục hồi, tỷ lệ tử vong cao.

Người cao tuổi dễ có nguy cơ bị một số bệnh gan cũng như dễ có nguy cơ bị những biến chứng nặng như suy gan, xơ gan, ung thư gan đặc biệt trên những người bệnh có bệnh gan mạn tính trước đó.

Người cao tuổi cần lưu ý những bệnh gan sau:

– Viêm gan siêu vi

Ở người trẻ nhiễm vi rút viêm gan A (HAV), vi rút viêm gan E (HEV) cấp tính thường tự khỏi không nguy hiểm. Tuy nhiên, ở người bệnh cao tuổi khi bị nhiễm HAV, HEV cấp tính có nguy cơ dẫn đến các biến chứng như suy gan, viêm tụy, bệnh não gan,… gia tăng tỷ lệ phải nhập viện và tử vong.

Nhiễm vi rút viêm gan B (HBV), vi rút viêm gan C (HCV) ở người bệnh cao tuổi dễ có nguy cơ bùng phát dẫn đến suy chức năng gan, xơ gan, ung thư gan.

– Bệnh gan tự miễn

Tỷ lệ bệnh gan tự miễn, bao gồm viêm gan tự miễn và xơ gan ứ mật nguyên phát cũng gặp ở người bệnh cao tuổi, gần 20% người bệnh viêm gan tự miễn phát triển sau 60 tuổi và bệnh thường tiến triển dẫn đến xơ gan, ung thư gan nhanh, xơ gan ứ mật nguyên phát ở người bệnh cao tuổi cũng có tiên lượng rất xấu, đáp ứng điều trị kém.

– Bệnh gan nhiễm mỡ

Lão hóa, đi kèm với béo bụng và mỡ nội tạng quá mức, gây ra tình trạng kháng insulin và tăng tiết cytokine tiền viêm dẫn đến hội chứng chuyển hóa và đái tháo đường type 2, gan nhiễm mỡ. Đây là bệnh chủ yếu hay gặp ở người trung niên và người cao tuổi. Sự lão hóa có liên quan đến sự phát triển của gan nhiễm mỡ, đồng thời người bệnh cao tuổi có nhiều nguy cơ bệnh gan nhiễm mỡ hơn do thường có một số bệnh lý đi kèm như tăng huyết áp, béo phì, tiểu đường và tăng lipid máu.

cac giai doan cua benh gan nhiem mo
Nếu không được điều trị, gan nhiễm mỡ có thể tiến triển thành ung thư gan.

– Tổn thương gan do thuốc

Người cao tuổi thường phải sử dụng rất nhiều loại thuốc để điều trị nhiều bệnh lý khác nhau, đa phần các loại thuốc lại được chuyển hóa qua gan càng làm tăng thêm gánh nặng cho gan, gan chịu nhiều áp lực nên người cao tuổi rất dễ bị tổn thương gan do thuốc. Nghiên cứu trên 466 người bệnh ở Đức cho thấy người bệnh trên 70 tuổi trung bình dùng 3,7 loại thuốc mỗi ngày. Một nghiên cứu ở Hà Lan ghi nhận 73,3% người bệnh cao tuổi phải dùng bốn loại thuốc trở lên mỗi ngày.

– Viêm gan mạn tính

Tỷ lệ mắc bệnh gan mạn tính đang gia tăng trong dân số cao tuổi, đa số lại không có triệu chứng hoặc triệu chứng không đặc hiệu, vì vậy người bệnh không được chẩn đoán ở giai đoạn sớm khi triệu chứng đã rõ thường điều trị không còn hiệu quả, tỷ lệ tử vong cao.

– Xơ gan

Là hậu quả của sự phá hủy cấu ​​trúc bình thường và mất tế bào gan ảnh hưởng chức năng tổng hợp và trao đổi chất bình thường của gan. Lão hóa đã được coi là một yếu tố nguy cơ tiến triển xơ hóa gan, xơ gan, đặc biệt ở những người có tổn thương gan mạn tính trước đó như viêm gan virus, viêm gan rượu,…

– Ung thư gan

Người bệnh cao tuổi có thể bị ung thư gan ngay cả khi không bị xơ hóa, điều này cho thấy rằng chính sự lão hóa có thể là yếu tố ảnh hưởng sinh ung thư gan.

Bệnh gan ở người cao tuổi ít khi mắc riêng lẻ mà thường kèm với các bệnh khác, các triệu chứng bệnh gan ở người cao tuổi thường ít khi điển hình, do đó dễ bị bỏ qua hoặc làm sai lệch các chẩn đoán.

Các triệu chứng cần lưu ý truy tìm bệnh gan ở người cao tuổi:

  • Chán ăn, mệt mỏi, đầy hơi, chướng bụng, ăn không tiêu.
  • Dễ bị rối loạn tiêu hóa, táo bón, tiêu chảy.
  • Sốt, đau bụng dai dẳng.
  • Vàng da, vàng mắt, nước tiểu vàng.
  • Các dấu hiệu điển hình bệnh gan: sao mạch, lòng bàn tay son, vú to ở đàn ông, tuần hoàn bàng hệ,….
  • Sụt cân hoặc tăng cân bất thường.
  • Giai đoạn nặng có thể có báng bụng, phù chân, xuất huyết tiêu hóa, hôn mê gan, suy thận, nhiễm trùng,…

Như vậy, chăm sóc sức khỏe tổng quát nói chung và sức khỏe lá gan nói riêng ở người cao tuổi cần phải quan tâm đặc biệt.

dau hieu benh gan dau sao mach xo gan co chuong

dau hieu benh gan tuan hoan bang he long ban tay son vu to o nam

Cần chú ý các biện pháp hạn chế bệnh gan ở người cao tuổi sau đây:

  • Khám sức khỏe định kỳ ít nhất 6 tháng một lần hoặc khi nhận thấy cơ thể có những triệu chứng thay đổi bất thường, đừng để khi phát sinh bệnh hoặc khi bệnh đã kéo dài, đã có biểu hiện nặng mới đến bác sĩ thì đã muộn.
  • Giảm khả năng chuyển hóa, giảm bài tiết mật gây rối loạn tiêu hóa dẫn đến chán ăn, mệt mỏi, đầy hơi, chướng bụng, ăn không tiêu, dễ bị táo bón hay tiêu chảy,… Vì vậy người cao tuổi thường ăn uống không ngon miệng, hấp thu kém dễ sụt cân, sức khỏe suy yếu. Khi chăm sóc sức khỏe người cao tuổi cần chú ý đặc biệt tới chế độ dinh dưỡng phù hợp sao cho đầy đủ và cân đối.
  • Chế độ ăn của người cao tuổi cần đa dạng, bảo đảm đầy đủ năng lượng, đầy đủ chất dinh dưỡng, tăng cường đạm thực vật, rau xanh, chất xơ, trái cây tươi và uống nhiều nước, không nhiều dầu mỡ, chất béo. Nên chia bữa ăn thành nhiều bữa nhỏ trong ngày, thức ăn không quá mặn, quá ngọt,  không quá lạnh hoặc quá nóng, không sử dụng thức ăn không an toàn, nhiễm nấm mốc.
  • Tuân thủ việc dùng thuốc theo đúng chỉ định của bác sĩ. Không được tự ý dùng thuốc đặc biệt các loại thuốc không rõ nguồn gốc.
  • Để ngăn chặn sự tiến triển gan nhiễm mỡ, xơ hóa gan, xơ gan, các yếu tố nguy cơ nên được giải quyết càng sớm càng tốt.
  • Kiểm soát trọng lượng cơ thể bằng cách thay đổi lối sống, tập thể dục như đi bộ, chạy bộ, đạp xe đạp và chế độ ăn kiêng hợp lý ở người cao tuổi có thể làm giảm sự tích tụ chất béo trong gan và cải thiện tình trạng rối loạn mỡ máu, tăng huyết áp và kháng insulin. Giảm tổng lượng năng lượng hàng ngày, giảm 10% trọng lượng cơ thể sẽ cải thiện các bất thường về chuyển hóa và mô học. Nếu trọng lượng cơ thể giảm xuống và tăng hoạt động của cơ thể lên 5%-10%, có thể giúp giảm khoảng 40% chất béo tích lũy trong gan.

Nguồn: Theo TS BS Lê Thị Tuyết Phượng (Trưởng khoa Nội tiêu hóa Bệnh viện Nhân dân 115)

Đánh giá

Bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Scroll to Top