GọiĐặt hẹn

Ung thư gan có thể phòng ngừa ?

Ung thư gan có thể phòng ngừa hay không luôn là chủ đề được nhiều người quan tâm

Ung thư gan thường là biến chứng của tình trạng viêm gan mạn tính (diễn tiến bệnh âm thầm trong nhiều năm) do nhiều nguyên nhân khác nhau, đặc biệt là viêm gan virus B, viêm gan virus C, viêm gan do rượu. Ngoài ra, tình trạng gan nhiễm mỡ với tăng men gan kéo dài (sau hàng chục năm) cũng có thể dẫn tới ung thư gan nhưng ít gặp hơn. Một số loại hóa chất, độc tố (ví dụ Aflatoxin là độc tố do nấm Aspergillus flavus thường có ở hạt ngũ cốc để lâu ngày) có thể gây ra ung thư gan.

Ung thư gan được chia thành 2 loại:

–   Ung thư gan nguyên phát: khối u có nguồn gốc tại gan. Về bản chất tế bào thì người ta chia ra nhiều loại, nhưng loại thường gặp nhất là ung thư biểu mô tế bào gan (hepatocellular carcinoma, viết tắt HCC).

–  Ung thư gan thứ phát: (còn gọi là ung thư di căn gan) nếu khối u xuất phát từ những cơ quan khác (dạ dày, phổi, vú, đại tràng,…) rồi sau đó di chuyển đến gan. Cách điều trị những trường hợp ung thư di căn gan có nguyên tắc là vừa điều trị khối u tại gan, vừa phải tìm đúng nguồn gốc của tế bào ung thư để điều trị theo đúng nguồn gốc thì mới tránh được tái phát (chẳng hạn, đối với ung thư đại tràng di căn gan thì cần điều trị theo phác đồ điều trị ung thư đại tràng, đối với ung thư phổi di căn gan thì phải điều trị theo phác đồ ung thư phổi)

Phòng ngừa ung thư gan để hạn chế nguy cơ bằng cách:

  1. Chủ động xét nghiệm tầm soát viêm gan virus B, C để phát hiện bệnh sớm và điều trị kịp thời
  2. Tiêm vaccine ngừa virus viêm gan B, đặc biệt là cho tất cả trẻ em sơ sinh theo chương trình tiêm chủng quốc gia
  3. Tái khám và tầm soát định kỳ (3-6 tháng một lần) đối với những người đã bị viêm gan mạn tính (viêm gan virus B, C) hoặc xơ gan.
    – Bệnh nhân viêm gan C mạn cần điều trị tiệt trừ virus viêm gan C.  Khoảng 75-85% những người nhiễm virus viêm gan C sẽ chuyển thành mãn tính
    – Bệnh nhân viêm gan B cần theo dõi và điều trị bằng thuốc kháng virus khi cần thiết
    Người bị viêm gan B mạn cần được theo dõi định kì bởi bác sĩ chuyên khoa Gan. Việc theo dõi định kì là cực kì quan trọng.
    Không phải trường hợp nào cũng phải uống thuốc. Tùy thuộc tình trạng bệnh, bác sĩ sẽ chỉ định cho bạn sử dụng thuốc để điều trị khi cần. Hiện nay có những thuốc điều trị viêm gan B mạn rất hiệu quả.
    Khi virus xâm nhập vào gan, sẽ diễn ra sự tương tác giữa virus và cơ thể, do đó người mang virus viêm gan B có thể trải qua nhiều giai đoạn bệnh khác nhau: có giai đoạn không phải uống thuốc, có giai đoạn phải uống thuốc hoặc chích thuốc để điều trị.
    Nếu bệnh nhân đang ở giai đoạn không phải uống thuốc thì cần tái khám định kì mỗi 3-6 tháng, để làm các xét nghiệm cần thiết đánh giá tình trạng bệnh, khi thấy bệnh chuyển sang giai đoạn cần phải điều trị bằng thuốc thì được điều trị kịp thời, tránh để trễ dẫn tới xơ gan, ung thư gan và tử vong. Việc nhận định chính xác thời điểm cần điều trị là vấn đề tương đối phức tạp, đòi hỏi người thầy thuốc phải cân nhắc rất tỉ mỉ.
    Người bệnh đang ở giai đoạn không phải uống thuốc thì cần tuyệt đối hạn chế rượu bia, tránh sử dụng các thuốc chứa CORTICOSTEROID, không tự ý dùng các thuốc cây-cỏ mà không có hướng dẫn của bác sỹ chuyên khoa.
  4. Bệnh nhân mắc các bệnh viêm gan mạn tính khác ( ví dụ bệnh Wilson, bệnh tích lũy sắt, bệnh viêm gan tự miễn, …) đều cần được điều trị bằng các phác đồ đặc biệt theo đúng nguyên nhân.
  5. Hạn chế rượu bia. Tất cả các bệnh nhân bị viêm gan mạn tính (đặc biệt bệnh nhân viêm gan do rượu) cần phải tuyệt đối kiêng cữ rượu bia.
Vui lòng liên hệ với Phòng khám Gan Tâm Đức để được tư vấn chuyên sâu

PHÒNG KHÁM GAN TÂM ĐỨC

ĐC: 41/15 Phan Đình Phùng, P.Tân Thành, Q.Tân Phú 
Đường dây nóng: 0967 888 943
Giờ làm việc:
Sáng từ: 07h00 – 12h00
Chiều từ: 13h30 – 17h00
Từ thứ 2 đến thứ 7 (CN nghỉ)

Đánh giá

Bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Scroll to Top