Vacxin viêm gan D có lẽ là điều mong chờ của tất cả mọi người trên thế giới, tuy nhiên, tại thời điểm hiện tại y học chưa có loại vacxin này. Mặc dù vậy, có một loại vacxin khác có thể bảo vệ bạn khỏi nhiễm viêm gan virus D.

1. Tổng quan về bệnh viêm gan D
Viêm gan D là một bệnh viêm gan do virus viêm gan D (HDV) gây nên. Đây là một bệnh nhiễm trùng khiến gan bị viêm. Virus có thể có trong cơ thể người bệnh trong vài tháng trước khi các triệu chứng xảy ra. Khi người bệnh thấy được các triệu chứng cũng là lúc gan đã bị virus tàn phá, chức năng gan suy giảm và gây ra các vấn đề về gan lâu dài, bao gồm sẹo gan và ung thư.
Người bệnh sẽ chỉ bị nhiễm viêm gan D khi đã bị nhiễm sẵn viêm gan B. Ít nhất 5% số người nhiễm viêm gan B mạn tính bị đồng nhiễm viêm gan D, dẫn đến tổng số 15 – 20 triệu người bị nhiễm viêm gan D trên toàn thế giới.
Do viêm gan virus D tồn tại phụ thuộc vào viêm gan virus B nên biểu hiện bệnh của viêm gan virus D luôn đi cùng với bệnh viêm gan virus B với các triệu chứng thường khá rầm rộ: Bệnh nhân mệt mỏi chán ăn nhiều, vàng mắt, vàng da, phù…nặng có thể hôn mê, tử vong.
Con đường lây truyền của viêm gan D tương đối giống viêm gan B. Virus viêm gan D có thể lây nhiễm từ người qua người bằng đường máu, hoặc do tiếp xúc trực tiếp với những chất dịch từ cơ thể đang bị nhiễm bệnh như nước tiểu, máu, tinh dịch, dịch âm đạo…
Để hiểu chi tiết hơn về bệnh viêm gan D, bạn có thể tham khảo bài viết này: [Viêm gan D: Nguyên nhân, triệu chứng và cách điều trị]
Hiện tại, không có thuốc chữa bệnh viêm gan D, nhưng có thể phòng ngừa được ở những người bị nhiễm viêm gan B. Điều trị cũng có thể giúp ngăn ngừa suy gan khi phát hiện sớm bệnh.
2. Những ai dễ mắc viêm gan D
Những người dễ mắc virus viêm gan D gồm:
- Người nhiễm viêm gan B mạn tính
- Trẻ sơ sinh có mẹ bị nhiễm HDV
- Quan hệ tình dục không lành mạnh với bạn tình bị nhiễm viêm gan D.
- Quan hệ đồng tính
- Người tiêm chích ma túy
- Tiếp xúc trong gia đình của những người bị nhiễm HDV
- Nhân viên y tế có nguy cơ bị phơi nhiễm khi tiếp xúc với máu hoặc chất dịch cơ thể bị nhiễm bệnh.
- Bệnh nhân chạy thận nhân tạo.
3. Vacxin viêm gan D
Hiện tại (Tháng 4/2021), y học chưa có vacxin phòng ngừa viêm gan D. Nhiễm viêm gan D có thể được ngăn ngừa bằng cách tiêm chủng viêm gan B. Cách duy nhất được biết để phòng ngừa viêm gan D là tránh nhiễm trùng viêm gan B.
Bên cạnh việc tiêm phòng vacxin viêm gan B để phòng ngừa viêm gan D, bạn có thể thực hiện các biện pháp phòng ngừa sau đây để giảm nguy cơ mắc bệnh viêm gan B, viêm gan D:
- Tiêm phòng vacxin viêm gan B: Tất cả trẻ em đều cần được tiêm phòng vacxin viêm gan B. Người lớn có nguy cơ nhiễm trùng cao, thường xuyên sử dụng thuốc tiêm tĩnh mạch cũng nên được tiêm phòng. Việc tiêm chủng thường được thực hiện ba mũi tiêm trong khoảng thời gian sáu tháng.
- Không tiếp xúc trực tiếp với máu người khác: Không dùng chung kim tiêm, dao cạo râu, bàn chải đánh răng…
- Hãy thận trọng về việc đi xăm và xỏ khuyên: Hãy chọn 1 cơ sở uy tín nếu bạn muốn xăm hoặc xỏ khuyên để tránh lây nhiễm.
- Quan hệ tình dục an toàn: bằng việc sử dụng bao cao su với tất cả các bạn tình. Bạn chỉ nên quan hệ tình dục mà không sử dụng biện pháp phòng tránh, khi chắc chắn bạn tình của mình không bị nhiễm viêm gan hoặc bất kỳ bệnh lây truyền qua đường tình dục nào khác.
4. Lời kết
Chẩn đoán sớm bệnh viêm gan D là điều cần thiết trong việc ngăn ngừa tổn thương gan. Bạn nên đến gặp bác sĩ ngay nếu nghi ngờ mình bị viêm gan. Nếu không được điều trị sớm, sẽ gây ra các biến chứng về bệnh gan như: xơ gan, ung thư gan,…