GọiĐặt hẹn

Viêm gan B mạn tính là gì ? Từ A-Z về viêm gan B mạn tính

Viêm gan B mạn tính là một trong hai dạng của viêm gan B (cấp tính và mạn tính). Người bệnh được coi là mắc viêm gan B mạn tính khi có trên 6 tháng xét nghiệm HBsAg cho kết quả dương tính. Khoảng 1/4 số người mắc bệnh viêm gan B có thể bị tổn thương gan nghiêm trọng, có thể gây ung thư gan và suy gan.

viêm gan b mạn tính chữa viêm gan b mạn tính
Bệnh viêm gan B mạn tính nếu không được điều trị sớm và đúng cách sẽ có thể tiến triển thành xơ gan, ung thư gan

Bệnh viêm gan B là gì?

Viêm gan B (còn gọi là viêm gan vi rút B hay viêm gan siêu vi B) là tình trạng sưng tấy hoặc hoại tử tế bào gan cấp hoặc mạn tính, có thể gây ra hậu quả nghiêm trọng như xơ gan hoặc ung thư gan. Căn bệnh này do siêu vi viêm gan B (HBV) gây ra. Viêm gan B là một trong các bệnh về gan nguy hiểm nhất. Viêm gan B có thể gặp ở bất kỳ đối tượng nào, trong đó khoảng 90% trẻ nhỏ sinh ra đã có mẹ mắc bệnh đều nhiễm bệnh viêm gan B. Đa số người nhiễm bệnh viêm gan B giai đoạn đầu thường không có triệu chứng gì đặc biệt nên không biết mình nhiễm bệnh.

Viêm gan B có hai dạng:

  • Viêm gan B cấp tính: là bệnh lý ngắn ngày, thường xảy ra trong vòng 6 tháng kể từ khi phơi nhiễm với virus viêm gan B. Bệnh đôi khi có thể dẫn đến viêm gan B mạn tính;
  • Viêm gan B mạn tính: Khi người bệnh nhiễm HBV trong 6 tháng hoặc lâu hơn thì được coi là mắc bệnh viêm gan B mạn tính, lúc này virus không bị đào thải mà tiếp tục sống trong cơ thể bệnh nhân.

Bệnh viêm gan B ảnh hưởng như thế nào?

Nhiều người mắc bệnh viêm gan B mạn tính thường không có triệu chứng gì và vẫn sinh hoạt bình thường. Tuy nhiên, một số người bị tổn thương gan do bệnh viêm gan B, đặc biệt là nếu họ đã mắc bệnh trong nhiều năm thậm chí hàng chục năm.

Nếu không điều trị đúng phương pháp, dần dần, virus sẽ phá hủy tế bào gan và chúng sẽ bị thay thế bởi các tế bào mô sẹo (fibrocytes). Quá trình này được gọi là xơ hóa. Khi phần lớn mô gan trở nên xơ hóa thì tình trạng này được gọi là xơ gan: gan không còn khả năng hoạt động bình thường. Biến chứng đầu tiên là cổ trướng – nhiều dịch lỏng tích tụ trong ổ bụng. Do gan không thể đào thải được độc tố nên một số chất như amoniac tích lại trong não và làm suy yếu chức năng não (bệnh não gan). Chảy máu thực quản cũng có thể xảy ra khi các tĩnh mạch trong thực quản bị giãn do tăng áp lực máu trong tĩnh mạch gan.

Biến chứng cuối cùng và nguy hiểm nhất của viêm gan B là ung thư gan.

Các con đường lây truyền của viêm gan B

Viêm gan B lây truyền qua 3 con đường: đường máu, quan hệ tình dục hoặc từ mẹ sang con trong quá trình sinh đẻ (virus viêm gan B được tìm thấy trong máu, trong sữa mẹ, trong kinh nguyệt, và trong tinh trùng). Tỷ lệ lây nhiễm của viêm gan B gấp 100 lần so với HIV và gấp 10 lần so với viêm gan C. Loại virus này có thể sống được ở ngoài cơ thể người hơn một tuần, trên quần áo hoặc trên các bề mặt khác.

Những xét nghiệm cần làm để đánh giá tình trạng viêm gan B

Bác sĩ sẽ hỏi bạn những câu hỏi về tiền sử bệnh bản thân bạn và gia đình để tìm hiểu nguyên nhân và thời gian bị nhiễm bệnh (do truyền từ mẹ sang, quan hệ tình dục hay lây qua đường máu). Sau đó, bác sĩ sẽ yêu cầu bạn làm một số xét nghiệm máu và siêu âm ổ bụng. Với một số trường hợp viêm gan mạn tính, trước khi bắt đầu điều trị, bác sĩ sẽ phải lấy một bệnh phẩm nhỏ của gan để làm sinh thiết.

Các xét nghiệm cần làm:

  • Xét nghiệm HBsAg: Là xét nghiệm chẩn đoán viêm gan B giúp xác định người bệnh có nhiễm virus không. Nếu kết quả dương tính (+), bệnh nhân đã nhiễm virus HBV. Đối với bệnh nhân xét nghiệm thấy HBsAg dương tính (+) trên 6 tháng có nghĩa là bệnh nhân bị viêm gan B mạn tính.
  • Xét nghiệm Anti-HBs: Đây là xét nghiệm kiểm tra miễn dịch bảo vệ sau khi bệnh nhân tiêm vắc-xin hoặc sau viêm gan B tự hồi phục. Nồng độ Anti-HBs >10mUI/ml được tính là có tác dụng bảo vệ cơ thể khỏi virus viêm gan B.

Đây là 2 xét nghiệm cần thiết để chẩn đoán viêm gan B, kiểm tra khả năng miễn dịch của cơ thể đối với loại virus này. Nếu đã xác định bệnh nhân có nhiễm virus, cần làm thêm các xét nghiệm khác như: HbeAg, Anti-HBE, Anti-HBc, Anti-HBc IgM, men gan AST, ALT để đánh giá lượng virus, khả năng nhân lên của virus, chức năng gan… theo chỉ dẫn của bác sĩ, từ đó đưa ra phương án điều trị tiếp theo.

Những nguyên tắc chính trong việc phòng và điều trị bệnh viêm gan B

Nguyên lý đầu tiên là phòng bệnh. Bạn cần làm xét nghiệm kiểm tra kháng thể virus viêm gan B. Trong trường hợp âm tính, bạn cần tiêm phòng. Tiêm vắc xin hoàn toàn không gây hại và rất hiệu quả trong việc phòng bệnh viêm gan B. Nếu xét nghiệm cho kết quả miễn dịch dương tính, đồng nghĩa với việc bạn đã có kháng thể virus, cơ thể bạn sẽ được miễn dịch và bảo vệ.

Tất cả phụ nữ mang thai đều cần phải xét nghiệm viêm gan B. Nếu sản phụ có kết quả xét nghiệm viêm gan B dương tính, em bé sẽ được tiêm vaccine và huyết thanh kháng viêm gan B ngay sau sinh để hạn chế nguy cơ lây nhiễm cho em bé.

Lời kết

Hiện tại, Phòng khám chuyên khoa gan Tâm Đức có gói khám chuyên sâu tầm soát bệnh lý gan mật. Danh mục khám được xây dựng trên nhu cầu thực tế, phát hiện sớm các bệnh lý viên gan B, C, gan nhiễm mỡ, xơ gan… giúp người bệnh theo dõi, đánh giá sức khỏe lá gan để có hướng điều chỉnh, chữa trị thích hợp nhất. Để được tư vấn thêm thông tin, vui lòng liên hệ Tổng đài tư vấn của Phòng khám chuyên khoa gan Tâm Đức để được bác sĩ chuyên khoa tư vấn Miễn phí – 0967888943

Đặc biệt, nếu Quý vị có nhu cầu khám và điều trị các bệnh gan (viêm gan B, viêm gan C, tăng men gan, gan nhiễm mỡ, xơ gan…), xin vui lòng đăng ký trước để được bác sĩ chuyên khoa thăm khám và điều trị trực tiếp – Điện thoại đặt hẹn: (028) 62675991

Y khoa Tâm Đức

Đánh giá

Bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Scroll to Top