ZaloĐặt hẹn

Viêm gan C và giải pháp điều trị

Viêm gan C là gì ? giải pháp điều trị viêm gan C ra sao?

So với một số virus viêm gan khác, virus viêm gan C (HCV: hepatitis C virus) được phát hiện khá muộn, vào năm 1989, hiện nay có khoảng 150 – 170 triệu người trên thế giới nhiễm virus viêm gan C mạn tính, hàng năm có khoảng 500.000 bệnh nhân tử vong do các bệnh liên quan đến viêm gan C. Cùng với virus viêm gan B và rượu, virus viêm gan C là một trong ba nguyên nhân hàng đầu gây nên viêm gan mạn, xơ gan và ung thư gan.

Khi bị nhiễm HCV cấp tính, tỷ lệ chuyển thành mạn tính khá cao, khoảng 55-85% và nếu không được điều trị, kiểm soát thì sau khoảng 20 năm sẽ có 15-30% số bệnh nhân nhiễm HCV mạn tính sẽ phát triển thành xơ gan. Trên nền xơ gan do HCV, hàng năm có khoảng 2-4% sẽ phát triển thành ung thư gan. Ngoài ra nhiễm HCV có thể gây nên một số bệnh lý ngoài gan, các bệnh lý này chủ yếu là hậu quả của sự đáp ứng miễn dịch của cơ thể đối với HCV.

Trên khía cạnh vaccince phòng bệnh còn gặp nhiều khó khăn, do HCV có tính đa hình thái kiểu gen rất cao (HCV có 07 kiểu gene và mỗi một loại kiểu gene lại có khá nhiều phân nhóm dưới kiểu gene), bên cạnh đó HCV không có nhóm quyết định kháng nguyên chung giống như virus viêm gan B (HBV: hepatitis B virus), do vậy hiện nay Y học chưa thể tạo ra được một loại vaccine để tiêm phòng cho tất cả các chủng HCV trên toàn thế giới.

Hiện tại chưa có vaccine để chủng ngừa viêm gan C nhưng so với viêm gan B, chúng ta hoàn toàn có thể làm sạch được HCV ra khỏi cơ thể, và với sự tiến bộ gần đây trong việc tạo ra các thuốc mới trong điều trị viêm gan C, một số quốc gia đang phấn đấu đưa ra lộ trình tiến tới xóa bỏ được bệnh viêm gan C.

Các mốc thời gian và thành tựu đạt được trong nghiên cứu phát triển thuốc điều trị viêm gan C

1991: Intron A (Alpha Interferon của công ty Shering ) được cơ quan quản lý thuốc và thực phẩm Hoa kỳ (FDA: Food and Drug Administration) thông qua điều trị viêm gan C trong thực hành lâm sàng.

1996: Roferon A (Alpha Interferon của công ty Roche) được FDA thông qua.

1997: Consnsus Interferon được FDA thông qua.

Tuy nhiên sự áp dụng đơn thuần các thuốc alpha-interferon đạt được hiệu quả điều trị (sau 06 tháng) tương đối thấp, tỷ lệ đáp ứng đối với HCV kiểu gen 1 chỉ khoảng 9-10% và đối với kiểu gen 2 và 3 chỉ khoảng 20-30%. Đồng thời alpha-interferon có khá nhiều tác dụng phụ, nhiều bệnh nhân đã phải bỏ không tham gia điều trị được hết liệu trình.

Bản chất của Interferon là protein có chức năng miễn dịch, thuộc nhóm Cytokines, đây chính là một trong các nhóm chất do bản thân cơ thể chúng ta sản sinh ra, các chất này tham gia vào quá trình điều hòa miễn dịch và đáp ứng miễn dịch nhằm loại bỏ các tác nhân gây bệnh, trong đó có cả nhóm tác nhân do virus. Cơ thể chúng ta có thể tạo ra nhiều loại Interferon khác nhau (type I – type II and type III)– trong đó loại Interferon áp dụng trong điều trị viêm gan C chỉ là Alpha-Interferon thuộc type I và bản thân Alpha-Interferon có nhiều nhóm nhỏ khác nhau mà Alpha-Interferon-2a hay 2b chỉ là một trong số đó (có khoảng 13 gene mã hóa alpha-interferon).

1998: FDA thông qua việc kết hợp Ribavirin với Interferon trong điều trị viêm gan C.

Với phác đồ kết hợp hiệu quả điều trị đã được cải thiện đáng kể, tỷ lệ đáp ứng điều trị đối với HCV kiểu gen 1 đạt khoảng 30% và đối với kiểu gen 2, 3 đạt khoảng 60%.

Ribavirin là thuốc ức chế virus phổ rộng, ban đầu được kỳ vọng phát triển để điều trị bệnh nhân nhiễm virus HIV, tuy nhiên sau này các tác giả nhận thấy Ribavirin không có khả năng điều trị bệnh nhân HIV-Aids, mà ngược lại có tác dụng khá tốt đối với virus thuộc họ Flavivirus, trong đó có cả virus viêm gan C.

2001: Peg-Intron (pegylated interferon alpha-2b) của công ty Shering được FDA thông qua.

2002: Pegasys (pegylated interferon alpha-2a) của công ty Roche được FDA thông qua điều trị viêm gan C.

Với sự ra đời của Peg-Interferon (Peg-Intron và Pegasys) đã tạo nên một sự chuyển biến đáng kể trong hiệu quả điều trị viêm gan C. Trước đây với các loại Interferong truyền thống, người bệnh cần phải tiêm thuốc 03 lần/tuần, tuy có rất nhiều tác giả đã cố gắng đưa ra các liệu trình khác nhau – nhưng với các loại Interferon truyền thống rất khó tạo được nồng độ Interferong hằng định trong cơ thể người bệnh trong quá trình điều trị.

Với sự ra đời của Peg-Interferon, người bệnh chỉ cần phải tiêm 01 lần/tuần – đồng thời đạt được hiệu quả nồng độ hằng định Interferon trong cơ thể người bệnh trong quá trình điều trị.

Việc kết hợp Peg-Interferon với Ribavirin đã làm thay đổi hiệu quả điều trị viêm gan C một cách có ý nghĩa, tỷ lệ đáp ứng điều trị bền vững đối với HCV kiểu gen 1 đã tăng lên 40-45% và tỷ lệ đáp ứng điều trị đối với HCV kiểu gen 2 và 3 tăng lên khoảng 75-85%, đối với kiểu gen 4, 5 và 6 khoảng 50-75%.

2007: Đây là năm đánh dấu khởi đầu của sự ra đời của các thế hệ thuốc uống mới, đầu tiên là VX-950 (Telaprevir), thuốc viên dạng uống áp dụng cho điều trị HCV kiểu gen 1.

2010: Telaprevir và Boceprevir kết thúc thử nghiệm lâm sàng giai đoạn III và chính thức đề nghị FDA thông qua cho phép áp dụng điều trị rộng rãi trong lâm sàng viêm gan C.

2011: Telaprevir và Boceprevir chính thức được FDA cấp phép.

2013: Simeprevir và Sofosbuvir được cấp phép.

2014: Ledipasvir được cấp phép.

2015: Daclatasvir được cấp phép, đây cũng là năm đánh dấu bước ngoặt sự phát triển các thuốc, các phác đồ đặc hiệu điều trị cho từng kiểu gen của HCV.

2016: Elbasvir và Grazoprevir được cấp phép.

Hiện nay song hành với sự phát triển nghiên cứu và hiểu biết ngày càng chi tiết hơn, đồng bộ hơn về cấu trúc, chức năng và quá trình sinh bệnh của virus viêm gan C, ngày càng có nhiều thuốc uống thế hệ mới được nghiên cứu thành công và được phép áp dụng trong điều trị lâm sàng. Điều này đã cho phép giảm phụ thuộc hoặc không còn phải phụ thuộc vào các thuốc Interferong trong điều trị, tạo điều kiện thuận lợi – dễ áp dụng – giảm thiểu được tác dụng phụ – dễ được được người bệnh chấp nhận và đạt hiệu quả điều trị cao.

Trong năm 2016 và trong tương lai còn nhiều thuốc mới sẽ được phép áp dụng trong lâm sàng – đây là tín hiệu hết sức khả quan cho bệnh nhân và nhiều nước hy vọng sẽ làm sạch được bệnh lý do virus viêm gan C gây ra.

Cơ chế tác dụng của các thuốc uống thế hệ mới trong điều trị viêm gan C

Như phần trên đã trình bày, quá trình nhân lên của HCV bao gồn nhiều bước và phân tử HCV-RNA chỉ bao gồm một khung dịch mã (ORF: open reading frame), tuy nhiên từ một khung dịch mã này có thể tạo nên được nhiều loại protein khác nhau cho HCV, bao gồm cả các proetein tạo cấu trúc và protein không tạo cấu trúc của HCV. Các thế hệ thuốc mới hiện nay chủ yếu tác động vào các protein không tạo cấu trúc của HCV, nhưng các protein này có vai trò quan trọng đối với quá trình xâm nhập, nhân lên và hoàn thiện để HCV thành các virus gây bệnh hoàn chỉnh.

Các thuốc uống thế hệ mới trong bài đề cập đến chính là thuốc thuộc nhóm DAAs (Direct-Acting Antivirals: tác dụng kháng virus trực tiếp).

Các thuốc tác động lên protein NS3/NS4A: Boceprevir, Telaprevir, Simeprevir, Grazoprevir, Faldaprevir và Asunaprevir………….

Khi muốn tư vấn và điều trị viêm gan C

Khi bạn muốn tư vấn sàng lọc và điều trị viêm gan C, bạn nên đến khám và tư vấn tại các phòng khám hay bệnh viện có chuyên khoa về Tiêu hóa – Gan mật – Viêm gan, chuyên khoa bệnh Truyền nhiễm. Hiện nay tại nhiều cơ sở Y tế trên toàn quốc ngoài những xét nghiệm đánh giá bệnh lý gan, cũng đã triển khai các xét nghiệm ở mức độ phân tử của HCV – giúp ích cho quá trình đánh giá hiệu quả điều trị chính xác.

Bạn không nên tự tham khảo và tự điều trị, vì dù hiện Y học đã đạt được nhiều tiến bộ trong điều trị viêm gan C, nhưng vẫn còn nhiều vấn đề trong cơ chế sinh bệnh học chưa lý giải được hết do vậy vẫn còn tồn tại những khó khăn và thách thức mà Y học cần tiếp tục nghiên cứu. Tự điều trị hoặc được tư vấn điều trị không đúng sẽ làm gia tăng đột biến kháng thuốc.

Cần biết thêm thông tin vui lòng liên hệ với Phòng khám Gan Tâm Đức Hotline: 0967888943

Đánh giá

Bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Scroll to Top