Bệnh viêm gan D lây truyền qua ba đường: đường máu, đường tình dục và mẹ truyền sang con. Việc chủ động tìm hiểu về cách thức lây nhiễm của virus viêm gan D sẽ giúp chúng ta phòng tránh bệnh tốt hơn.

1. Tổng quan về bệnh viêm gan D
Bệnh viêm gan D (còn gọi là viêm gan siêu vi D) là một bệnh truyền nhiễm do virus viêm gan D (HDV) gây ra.
Có một điều đặc biệt là, virus viêm gan D (HDV) có cấu trúc khá đơn giản, không đầy đủ nên được gọi là siêu vi không trọn vẹn. Cũng chính vì có cấu trúc không trọn vẹn nên khi sinh trưởng đơn độc, virus HDV không có khả năng gây bệnh mà đòi hỏi phải có chức năng trợ giúp của virus viêm gan B (HBV) để nhân rộng và phát triển. Điều đó có nghĩa là, khi có sự hiện diện của HBV trong máu thì HDV mới trở thành yếu tố gây bệnh.
Sự phụ thuộc của virus HDV vào HBV được thể hiện rõ nét ở chỗ HDV sử dụng chất kháng nguyên HbsAg của HBV làm lớp vỏ bọc bảo vệ cho mình. Nếu không có lớp vỏ bọc này của virus viêm gan siêu vi B, virus viêm gan D không có khả năng xâm nhập vào tế bào gan và ngay cả khi chúng sinh trưởng được trong tế bào gan thì cũng không thể gây bệnh do không có khả năng lan tràn từ tế bào này sang tế bào kia. Vì vậy, viêm gan D chỉ gây nguy hiểm cho những ai đang mắc viêm gan B hoặc có nguy cơ mắc bệnh viêm gan B mà thôi.
2. Viêm gan D lây qua đường nào ?
Viêm gan D chỉ lây lan với những ai chưa có kháng thể kháng virus viêm gan B. Những người đã chích ngừa viêm gan B hoặc có khả năng miễn nhiễm sẽ không bị nhiễm viêm gan siêu vi D nữa.
Và cũng giống như viêm gan B, viêm gan D chủ yếu lây truyền các con đường:
- Đường máu: Dùng chung dao cạo râu, bàn chải đánh răng với người bệnh, sử dụng chung kim tiêm, ống tiêm hoặc dụng cụ pha chế thuốc với người bị bệnh, tiếp xúc với máu từ hoặc vết thương mở của người bị nhiễm bệnh…
- Đường tình dục: Quan hệ tình dục không an toàn với bạn tình bị nhiễm bệnh;
- Mẹ truyền sang con.
Trong đó, đường lây truyền qua hoạt động tình dục và mẹ truyền sang con có tỉ lệ khá thấp, bệnh chủ yếu lây qua đường máu.

Những người dễ bị lan nhiễm viêm gan siêu vi D thường là những người bị truyền máu nhiều lần hoặc lạm dụng tiêm thuốc vào tĩnh mạch, dùng chung các vật dụng cá nhân dễ gây trầy xước với người bị viêm gan B hoặc những người xăm hình, châm cứu… khi các dụng cụ hành nghề chưa được xử lý vô trùng.
3. Viêm gan D có nguy hiểm không?
So với viêm gan B, viêm gan C thuần túy, bệnh nhân viêm gan siêu vi D thường có nguy cơ xơ gan, ung thư gan sớm hơn. Lý do là, nếu người bệnh đang nhiễm viêm gan D, nghĩa là người bệnh cũng đang nhiễm đồng thời cả viêm gan B. Lúc này, virus viêm gan D sẽ cộng hưởng với virus viêm gan B hủy hoại các tế bào gan, làm cho các tế bào gan bị hoại tử nhiều hơn.
Sự tấn công đồng thời, cùng lúc của cả hai loại virus khiến tế bào Kupffer (một loại đại thực bào nằm ở xoang gan, chuyên xử lý các loại virus, vi khuẩn, hồng cầu già chết… tạo phản ứng miễn dịch) hoạt động quá mức, từ đó phóng thích ra các chất gây viêm TNF-α, TGF-β, Interleukin… làm hoại tử các tế bào gan, thúc đẩy biến chứng xơ gan, ung thư gan đến nhanh hơn.
Tính nguy hiểm của bệnh viêm gan D còn thể hiện ở chỗ đối với những người lành mang virus HBV, khi bị nhiễm HDV nó lại kích hoạt viêm gan B bùng phát, cùng khởi đầu cho sự hủy hoại tế bào gan.
Tuy vậy, virus viêm gan D cũng có thể bị tiêu diệt nếu virus viêm gan B không hoạt động hoặc bị sức đề kháng của cơ thể đẩy lùi.
4. Phòng và điều trị bệnh viêm gan D
Trong khi đa số bệnh nhân viêm gan B có thể tự khỏi bệnh thì viêm gan siêu vi D lại có khuynh hướng chuyển sang giai đoạn mạn tính, nguy hiểm và rất khó cải thiện.
Việc điều trị bệnh viêm gan D chủ yếu là sử dụng thuốc Interferon-alfa, tuy nhiên chi phí điều trị và thời gian điều trị thường kéo dài mà kết quả chỉ đạt từ 40-70%, trong số đó lại có khoảng 60-90% sẽ tái phát bệnh sau khi ngừng thuốc một thời gian. Do việc điều trị viêm gan D rất khó, thời gian kéo dài, lại rất tốn kém như vậy nên việc chủ động phòng ngừa viêm gan D đóng vai trò cực kỳ quan trọng.
Hiện nay, vẫn chưa có vắc xin hỗ trợ phòng ngừa viêm gan D, nên việc tiêm chủng hỗ trợ phòng ngừa đối với viêm gan siêu vi B cũng chính là biện pháp hữu hiệu nhất để phòng ngừa viêm gan siêu vi D. Vì như đã nói, nếu không có virus viêm gan B trong cơ thể thì không sợ lây nhiễm virus viêm gan D.
Đối với những người đã mắc bệnh viêm gan B thì nguy cơ mắc bệnh viêm gan D là rất cao, do đó cần thận trọng tự bảo vệ mình trước nguy cơ lây nhiễm. Các biện pháp hỗ trợ phòng ngừa đối với bệnh viêm gan B cũng chính là các biện pháp hỗ trợ phòng ngừa với viêm san siêu vi D.