Xét nghiệm creatinin trong máu là một xét nghiệm được sử dụng phổ biến để đánh giá chức năng thận và chẩn đoán, theo dõi tình trạng suy thận.

1. Xét nghiệm creatinin máu
Creatinin máu là sản phẩm dị hóa của creatin sinh ra từ quá trình creatin phosphate phản ứng với ADP tạo ra creatin và giải phóng năng lượng. Creatinin có nguồn gốc ngoại sinh là từ thức ăn và nguồn gốc nội sinh phần lớn từ gan (tổng hợp từ arginine và methionine), một lượng nhỏ được tổng hợp từ thận, tụy. Xét nghiệm định lượng creatinin trong máu sẽ giúp chúng ta biết được nhiều vấn đề về sức khỏe, trong đó chủ yếu đánh giá chức năng thận.
Trong đánh giá chức năng thận, xét nghiệm creatinin còn được sử dụng để ước đoán độ lọc cầu thận (eGFR).
2. Khi nào cần xét nghiệm định lượng creatinin máu?
Xét nghiệm định lượng creatinin máu thường được chỉ định để chẩn đoán suy giảm chức năng thận, thường được chỉ định kèm với xét nghiệm định lượng ure máu. Tỷ lệ ure/creatinine máu bình thường nằm trong khoảng 6:1 đến 20:1.
Xét nghiệm này cần được thực hiện thường xuyên, định kỳ để nắm bắt được tình trạng cơ thể. Những người có dấu hiệu của suy giảm chức năng thận cần thực hiện ngay xét nghiệm định lượng creatinin máu. Các dấu hiệu bao gồm:
- Người mệt mỏi, chán ăn, mất ngủ, khó tập trung;
- Đái ra máu;
- Nước tiểu sẫm màu giống màu cafe;
- Giảm lượng nước tiểu;
- Sưng hoặc phù mặt, bụng, đùi, mắt cá chân, đặc biệt là vùng xung quanh mắt;
- Đau bên hông, dưới khung sườn;
- Tăng huyết áp.
4. Ý nghĩa của xét nghiệm creatinin máu
Định lượng creatinin máu thay đổi theo giờ. Thông thường, định lượng creatinin máu cao nhất vào khoảng 7 giờ tối (trung bình cao hơn 20-40% so với buổi sáng) và thấp nhất vào khoảng 7 giờ sáng.
Sau khi ăn, nồng độ creatinin thường tăng nhẹ và tăng cao hơn nếu ăn một lượng lớn protein.
Các yếu tố ảnh hưởng đến định lượng creatinin máu bao gồm: khối lượng cơ thể, định lượng protein nạp vào cơ thể, tình trạng sức khỏe, một số loại thuốc… và có thể thay đổi ở mỗi người.
Nồng độ creatinin máu bình thường của nữ giới là 0.5-1.1 mg/dl hoặc 44-97 umol/l (đơn vị SI) và ở nam giới khỏe mạnh là 0.6-1.2 mg/dl hoặc 53-106 umol/l (đơn vị SI).
5. Xét nghiệm creatinin máu có cần nhịn ăn không?
Trước khi xét nghiệm, bệnh nhân cần nhịn ăn khoảng 6 – 8 tiếng. Tốt nhất là nên xét nghiệm vào buổi sáng khi chưa ăn gì và ngừng sử dụng các loại thuốc.
Nếu cần phải uống thuốc trước khi thực hiện xét nghiệm thì người bệnh nên tham vấn ý kiến của bác sĩ trước khi thực hiện xét nghiệm.
6. Lời kết
Xét nghiệm định lượng Creatinin đóng vai trò quan trọng trong việc chẩn đoán, phát hiện sớm và điều trị tích cực các bệnh lý ở thận. Vì vậy, nếu có nguy cơ cao mắc bệnh thận hoặc có dấu hiệu cảnh báo suy thận, bệnh nhân nên sớm tìm đến các cơ sở y tế uy tín để thực hiện xét nghiệm nồng độ Creatinin và các phương pháp chẩn đoán khác.