Xét nghiệm Ure máu là xét nghiệm máu để định lượng nồng độ Urea Nitrogen có trong máu. Chỉ số Ure máu không những dùng để đánh giá chức năng thận mà còn dùng để đánh giá tình trạng chức năng của gan.

1. Ure là gì?
Quá trình chuyển hóa của ure trong máu như sau: Chất đạm sau khi được đưa vào cơ thể qua đường ăn uống sẽ được chuyển hóa thành các axit amin. Các axit amin này sẽ được chuyển hóa tiếp và cuối cùng thành NH3 và CO2.
Trong cơ thể, NH3 là một chất độc cần được đào thải ra ngoài. Gan sẽ làm nhiệm vụ chuyển hóa NH3 thành ure và đưa đến thận qua đường máu. Thận sẽ lọc ure và những chất cần đào thải khác từ máu ra ngoài qua nước tiểu. Do đó, khi chức năng của gan và thận bị rối loạn sẽ ảnh hưởng đến quá trình chuyển hóa NH3 và lọc ure.
Bản chất ure là một chất thải của quá trình trao đổi chất, nhưng nó là sản phẩm quan trọng nhất của chuyển hóa nitơ, giúp giải độc NH3. Khi chu trình chuyển hóa NH3 thành ure bị suy giảm sẽ gây tích tụ NH3 – một chất độc thần kinh, có nguy cơ gây bệnh não do tăng amoniac.
2. Xét nghiệm ure máu là gì?
Xét nghiệm ure máu (BUN – Blood Urea Nitrogen) là một xét nghiệm thường quy và rất được quan tâm trên lâm sàng, được sử dụng để định lượng nồng độ ure trong máu của một người. Nồng độ ure trong máu phản ánh sự cân bằng giữa tổng hợp ure ở gan và thải trừ ure qua thận.
Chỉ số ure máu bình thường là trong khoảng 2,5 – 7,5 mmol/l. Nồng độ ure máu phụ thuộc cùng lúc vào chức năng thận, khẩu phần nitơ trong chế độ ăn, quá trình dị hóa protein ở gan và cân bằng điện giải trong cơ thể.
Nếu giá trị ure máu cao hơn mức bình thường thì đó có thể là dấu hiệu cho thấy thận hoạt động không tốt, hoặc cũng có thể là lượng protein cao, không uống đủ nước dẫn đến lưu thông kém. Ngược lại, nếu giá trị ure máu thấp hơn mức bình thường thì đó có là dấu hiệu của bệnh lý về gan hoặc suy dinh dưỡng.
3. Khi nào cần xét nghiệm Ure máu
Nhìn chung, xét nghiệm định lượng ure máu được chỉ định với mục đích:
- Kiểm tra sức khỏe định kỳ để tầm soát chức năng gan, thận.
- Chẩn đoán tình trạng suy thận, nhất là khi phân tích cùng với nồng độ ure niệu.
- Để đánh giá mức cung cấp protein của một chế độ ăn.
- Nồng độ ure niệu thường được sử dụng để đánh giá khẩu phần protein cung cấp qua chế độ ăn.
Chỉ xét nghiệm ure máu thì chưa đủ để chẩn đoán, do đó, bác sĩ sẽ chỉ định người bệnh làm thêm một số xét nghiệm khác để có kết luận chính xác hơn.
4. Cách thực hiện xét nghiệm Ure máu
Với xét nghiệm ure máu, người bệnh không cần nhịn ăn trước khi làm xét nghiệm mà chỉ cần hạn chế không ăn các loại thực phẩm có chứa quá nhiều protein. Thời điểm làm xét nghiệm thích hợp nhất là vào buổi sáng. Kết quả xét nghiệm có thể có sau một vài giờ đồng hồ.
Tham khảo: acutecaretesting.org