Đồ ăn nhanh như hamburger, gà rán, khoai tây chiên, pizza,… có thể làm tăng nguy cơ mắc bệnh gan gan nhiễm mỡ, khiến bệnh tiến triển nặng nhanh hơn.

Trung tâm Thống kê y tế Quốc gia Mỹ đã phân tích dữ liệu sức khỏe của 4.000 người trưởng thành mắc gan nhiễm mỡ. Hơn một nửa người được khảo sát đã ăn nhiều thức ăn nhanh, 29% tiêu thụ 1/5 hoặc nhiều hơn lượng calo hàng ngày từ thức ăn nhanh.
Chế độ ăn uống gồm ít nhất 20% thức ăn nhanh hàng ngày cũng làm gia tăng chất béo trong gan. Trong đó, gan nhiễm mỡ do tiêu thụ nhiều thức ăn nhanh có thể dẫn đến xơ gan, suy gan và ung thư gan.
Theo Tiến sĩ Ani Kardashian (Trung tâm Thống kê y tế Quốc gia Mỹ), tiêu thụ một lượng lớn chất béo bão hòa và chất làm ngọt đã qua chế biến trong thức ăn nhanh là nguyên nhân chính khiến cơ thể tích tụ chất béo trong gan. Tình trạng này càng trầm trọng hơn ở người bị kháng insulin, dấu hiệu đặc trưng của tiền tiểu đường và tiểu đường type 2. Đây là lý do tại sao người mắc bệnh tiểu đường và béo phì dễ bị gan nhiễm mỡ.
Theo các nhà nghiên cứu, mức tiêu thụ thức ăn nhanh trên thế giới đã tăng lên trong 50 năm qua, bất kể tình trạng kinh tế xã hội. Tiêu thụ các thực phẩm này tăng mạnh trong thời gian Covid-19 bùng phát, có thể khiến người mắc bệnh về gan tăng hơn trong tương lai.
Để phòng ngừa gan nhiễm mỡ và các bệnh về gan, mọi người nên lựa chọn thực phẩm lành mạnh, bổ dưỡng hơn, tránh thức ăn nhanh nhiều nhất có thể. Người có các yếu tố nguy cơ bị bệnh gan như béo phì, tiểu đường, bệnh tim… cần tránh các loại thực phẩm giàu chất béo, thức ăn nhanh, thực phẩm chế biến sẵn. Người mắc hội chứng chuyển hóa (tăng huyết áp, kháng insulin, béo phì, rối loạn lipid…) có thể cải thiện tình trạng gan nhiễm mỡ bằng chế độ ăn nhiều thực phẩm lành mạnh, tập thể dục và hoạt động thể chất thường xuyên.