Chế độ dinh dưỡng đóng vai trò rất quan trọng trong việc phòng và điều trị tình trạng men gan cao. Bên cạnh việc bổ sung những thực phẩm có lợi cho gan thì người bệnh cũng cần hạn chế sử dụng những thực phẩm tăng gánh nặng cho gan. Dưới đây là danh sách những thực phẩm mà người bệnh men gan cao cần hạn chế.

1. Sơ lược về men gan cao
Men gan bao gồm 04 loại men là: Alanine Transaminase (ALT), Phosphatase kiềm (ALP), Aspartate Transaminase (AST) và Gamma Glutamyl Transpeptidase (GGT), là xúc tác sinh học quan trọng trong chuyển hóa chất của cơ thể.
Men gan tăng cao thường là hệ quả của tình trạng tế bào gan bị tổn thương do virus, bia rượu, tác động của thuốc hạ sốt, giảm đau, thuốc hạ mỡ máu,…
Men gan tăng càng cao, mức độ tổn thương tại gan càng nặng nề. Men gan cao thường gặp ở người bị viêm gan hoặc các bệnh lý khác của bệnh gan do dùng một số thuốc làm tăng men gan, người nghiện rượu, bia. Men gan cao được phân loại thành 3 mức độ:
- Mức độ nhẹ: Chỉ số men gan tăng cao < 5 lần so với mức bình thường.
- Mức độ trung bình: Chỉ số men gan tăng cao ~ 5-10 lần so với mức bình thường.
- Mức độ nặng: Chỉ số men gan tăng cao >10 lần so với mức bình thường.
➤ Men gan cao nguy hiểm như thế nào ?
2. Người bệnh men gan cao cần hạn chế ăn gì ?
Việc điều chỉnh chế độ dinh dưỡng đóng vai trò quan trọng trong phòng và điều trị men gan cao. Bên cạnh việc nạp vào cơ thể những loại đồ ăn, thức uống có lợi sẽ hỗ trợ tốt cho quá trình đưa men gan trở về với chỉ số bình thường thì người bệnh cũng cần đặc biệt chú ý tránh một số loại thực phẩm. Bởi chúng có thể khiến men gan tăng cao hơn, tạo gánh nặng cho gan.
Dưới đây là một số thực phẩm mà người bệnh men gan cao cần hạn chế:
– Thực phẩm chiên, xào, nhiều dầu mỡ
- Loại thực phẩm này kích hoạt tế bào Kuffer tại gan khiến tình trạng tổn thương gan trở nên nghiêm trọng hơn. Nó cũng làm tăng lượng chất béo trung tính của cơ thể.
- Nếu ăn quá mức thực phẩm nhiều dầu mỡ sẽ khiến gan khó có thể chuyển hóa hoàn toàn và tích tụ chất béo trung tính trong gan. Từ đó gây ra một loạt các vấn đề về gan, trong đó có tăng men gan.
– Thực phẩm chứa nhiều đường
- Nằm trong nhóm thực phẩm này có thể kể đến bánh, kẹo, siro, nước ngọt,… Đường có thể gây tích tụ tế bào hồng cầu trong vi huyết quản và tiểu cầu. Lượng đường lớn làm tăng tích tụ chất béo trong gan – một trong những nguyên nhân gây tăng men gan.
- Nếu có lượng đường huyết cao, người bệnh cũng sẽ giảm hấp thụ các chất dinh dưỡng cần thiết khác.
– Đồ ăn cay nóng
- Ăn nhiều thực phẩm cay nóng có thể làm nặng thêm các triệu chứng của men gan cao, đặc biệt là mẩn ngứa.
- Thêm vào đó, đồ cay nóng cũng có thể làm tăng áp lực tĩnh mạch gan, gây tăng men gan.
– Rượu, bia
- Rượu, bia là một trong những nguyên nhân chính gây ra bệnh gan nhiễm mỡ và các căn bệnh gan khác không tốt cho sức khỏe.
- Thêm vào đó, đối với người bệnh đang trong tình trạng men gan cao tức là gan đang hoạt động kém hơn mức bình thường, việc uống nhiều bia rượu sẽ tạo gánh nặng cho gan. Gan sẽ không thể loại bỏ hết các độc tố. Điều này có thể dẫn tới tình trạng bệnh thêm trầm trọng.
– Đồ uống có ga
- Người bệnh men gan cao cũng không nên dùng quá nhiều đồ uống có ga. Vì lượng đường trong loại đồ uống này tương đối lớn. Gan vì thế cũng phải làm việc vất vả hơn.
– Muối
- Ăn quá nhiều muối có thể khiến cơ thể giữ nước dư thừa.
- Hãy tập thói quen hạn chế natri dưới 1.500 miligam mỗi ngày.
– Bánh mì trắng, cơm và mì ống
- Những thực phẩm này có thể làm tăng lượng đường trong máu nhiều hơn ngũ cốc nguyên hạt do thiếu chất xơ.
– Thịt đỏ
- Thịt đỏ bao gồm tất cả các dạng thịt bò, thịt lợn, thịt cừu, thịt bê, dê và các loài nai, bò rừng và nai sừng tấm,… những loại thịt này chứa nhiều chất béo bão hòa khiến gan phải hoạt động nhiều hơn, tăng gánh nặng cho gan.
3. Một số lưu ý dành cho người bệnh men gan cao
Bên cạnh việc hạn chế một số thực phẩm có hại, người bệnh men gan cao cũng cần lưu ý một số vấn đề sau:
- Xây dựng thực đơn cân bằng dinh dưỡng. Không quá lạm dụng một loại thực phẩm nào.
- Giữ vệ sinh an toàn thực phẩm.
- Ăn đúng giờ, ngủ đủ giấc. Cân đối thời gian làm việc và nghỉ ngơi. Không nên thức khuya.
- Giảm cân một cách khoa học nếu cân nặng vượt quá mức cho phép.
- Tập luyện thể dụng thể thao hàng ngày để tăng sức đề kháng, hỗ trợ chức năng gan.
- Tái khám định kỳ theo lịch hẹn của bác sĩ.
- Sử dụng thuốc Tây theo đúng chỉ định của bác sĩ.
4. Lời kết
Men gan cao là biểu hiện cảnh báo chức năng của gan không ổn, các tế bào gan đang bị tổn thương hoặc gan có thể đang bị viêm. Men gan cao thường không có dấu hiệu hoặc triệu chứng rõ rệt, nhất là khi men gan tăng ít nhưng lại có thể là dấu hiệu ban đầu của những bệnh lý gan nguy hiểm.
Do đó, khi có những biểu hiện nghi ngờ men gan cao bạn nên tới khám tại các cơ sở y tế chuyên khoa sâu về gan để được chẩn đoán và tư vấn cụ thể.
Đồng thời, chúng ta cũng cần chủ động thăm khám tại các cơ sở y tế uy tín để được chẩn đoán và điều trị kịp thời, tránh những biến chứng nguy hiểm xảy ra.