ZaloĐặt hẹn

Những tiến bộ trong điều trị viêm gan B của thế giới và Việt Nam

Viêm gan B là căn bệnh âm thầm nhưng có thể gây tổn thương gan nghiêm trọng nếu không được phát hiện và điều trị kịp thời. Tuy nhiên, hành trình chống lại căn bệnh này cũng ghi nhận những bước tiến vượt bậc của y học. Từ việc xác định virus gây bệnh, phát triển vắc xin phòng bệnh, đến những liệu pháp kháng virus tiên tiến, chúng ta đã tiến gần hơn đến mục tiêu loại trừ hoàn toàn viêm gan B. Trong bài viết này, Phòng khám chuyên khoa – Công ty CP Bệnh Viện Gan Tâm Đức sẽ cùng bạn nhìn lại hành trình ấy để thấy rõ những nỗ lực và thành quả của các tổ chức y tế trên toàn cầu và tại Việt Nam trong cuộc chiến chống lại căn bệnh này.

Tiến bộ trong điều trị viêm gan B
Việc phòng ngừa và điều trị viêm gan B đã đạt được những tiến bộ đáng kể trên toàn cầu.

1. Bình minh của sự hiểu biết về viêm gan B

Hành trình hiểu rõ về viêm gan B bắt đầu từ một phát hiện quan trọng vào năm 1965, khi virus viêm gan B (HBV) lần đầu tiên được xác định bởi Tiến sĩ Baruch Blumberg (1925-2011). Trước đó, nguyên nhân của nhiều ca viêm gan vẫn là một ẩn số trong y học. Việc tìm ra tác nhân gây bệnh đã mở ra một kỷ nguyên mới cho y học, tạo nền tảng cho các nghiên cứu sau này. Việc phát hiện ra HBV đã giúp thay đổi toàn bộ cách tiếp cận trong chẩn đoán và điều trị căn bệnh này. Phát hiện này quan trọng đến mức Tiến sĩ Blumberg được trao giải Nobel Y học – ghi nhận cho một đóng góp có ý nghĩa toàn cầu.

Một điều khá thú vị là virus viêm gan B ban đầu được gọi là “kháng nguyên Australia” – vì nó được phát hiện một cách tình cờ trong mẫu máu của một thổ dân Úc, có phản ứng với kháng thể trong huyết thanh của một bệnh nhân Hoa Kỳ. Sự trùng hợp này tưởng chừng nhỏ nhặt, nhưng lại góp phần làm sáng tỏ chân dung của một loại virus nguy hiểm đã tồn tại âm thầm suốt nhiều năm. Đó cũng là minh chứng cho việc trong y học, một chi tiết nhỏ cũng có thể mở ra cả một hướng đi lớn.

Không lâu sau đó, xét nghiệm máu đầu tiên dành cho HBV chính thức ra đời. Nhờ xét nghiệm này, việc sàng lọc máu hiến tặng trở nên hiệu quả hơn rất nhiều, đặc biệt trong bối cảnh truyền máu là một trong những con đường lây truyền phổ biến nhất. Chỉ trong thời gian ngắn, tỷ lệ lây nhiễm viêm gan B qua truyền máu đã giảm khoảng 25%. Đây là một minh chứng rõ ràng rằng khi chúng ta hiểu đúng về bệnh và có công cụ phù hợp, sức khỏe cộng đồng sẽ được bảo vệ tốt hơn từng ngày.

Tiến sĩ Baruch Blumberg (1925-2011)
Tiến sĩ Baruch Blumberg (1925-2011)

2. Bước đột phá của vắc xin viêm gan B

Sau khi phát hiện virus viêm gan B, Tiến sĩ Baruch Blumberg và nhà vi sinh vật học Irving Millman (1923-2012) đã bắt đầu phát triển loại vắc xin đầu tiên phòng virus này, sử dụng virus đã được xử lý nhiệt – vắc xin Heptavax. vắc xin này được FDA phê duyệt vào năm 1981, mở ra hy vọng mới trong việc ngăn ngừa HBV. Tuy nhiên, do vắc xin được sản xuất từ huyết tương người, nhiều người lo ngại về vấn đề an toàn. Mặc dù vậy, Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) đã công nhận đây là “vắc xin ngừa ung thư đầu tiên” nhờ khả năng phòng ngừa ung thư gan.

Sau đó, vào năm 1986, vắc xin viêm gan B tái tổ hợp ra đời. vắc xin này được tạo ra bằng công nghệ di truyền, không còn phụ thuộc vào nguồn huyết thanh người, do đó không còn nguy cơ nhiễm virus từ huyết thanh người, giúp đảm bảo an toàn cho người sử dụng. Đây cũng là một trong những vắc xin đầu tiên được sản xuất bằng kỹ thuật sinh học hiện đại, đánh dấu bước ngoặt lớn trong ngành y học dự phòng. Sau khi chứng minh được tính an toàn và hiệu quả, đến năm 1991, CDC Hoa Kỳ chính thức khuyến nghị tiêm vắc xin viêm gan B cho tất cả trẻ sơ sinh. Chính sách này nhằm ngăn chặn lây truyền từ mẹ sang con – con đường lây nhiễm chính ở nhiều quốc gia, trong đó có Việt Nam. Khuyến nghị này đã đặt nền móng cho các chương trình tiêm chủng mở rộng trên toàn cầu.

poster khuyen khich tiem vac xin viem gan B nih
Áp phích khuyến khích nhân viên y tế đi tiêm chủng vắc xin viêm gan B. Nguồn: Viện chăm sóc sức khoẻ quốc gia Hoa Kỳ (NIH)

Tại Việt Nam, vắc xin viêm gan B được đưa vào chương trình tiêm chủng quốc gia từ năm 1997 tại một số địa phương. Đến năm 2002, chương trình được mở rộng trên toàn quốc, thể hiện cam kết mạnh mẽ trong phòng ngừa HBV. Việc triển khai theo từng giai đoạn giúp Việt Nam thích ứng với điều kiện thực tế về nhân lực và cơ sở vật chất y tế.

Một dấu mốc quan trọng là vào năm 2005, Việt Nam bắt đầu triển khai tiêm vắc xin liều sơ sinh trong vòng 24 giờ sau sinh. Đây là thời điểm “vàng” để ngăn lây truyền virus từ mẹ sang con – con đường lây chính ở trẻ em Việt Nam. Từ năm 2006, Bộ Y tế chính thức khuyến cáo tiêm liều này càng sớm càng tốt sau sinh để đạt hiệu quả phòng bệnh tối ưu.

Nhờ sự vào cuộc đồng bộ của ngành y tế, tỷ lệ bao phủ vắc xin viêm gan B ở trẻ sơ sinh tại Việt Nam đã đạt gần 97%. Tỉ lệ nhiễm HBV mạn tính ở trẻ cũng giảm đáng kể – từ 3,6% xuống còn 1,6%. Những con số này cho thấy hiệu quả rõ rệt của chương trình tiêm chủng trong việc bảo vệ thế hệ tương lai khỏi nguy cơ bệnh tật lâu dài.

Dù vậy, quá trình triển khai không tránh khỏi một số thách thức. Vào năm 2008, sau một số sự cố sau tiêm, tỷ lệ bao phủ vắc xin sơ sinh giảm mạnh, có nơi xuống dưới 20%. Điều này cho thấy niềm tin của người dân vào vắc xin rất dễ bị tổn thương. Để duy trì thành quả, ngành y tế cần đảm bảo truyền thông minh bạch và giám sát an toàn chặt chẽ trong suốt quá trình tiêm chủng.

3. Kỷ nguyên của liệu pháp kháng virus viêm gan B

– Khởi đầu của liệu pháp kháng virus: Interferon

Vào năm 1991, Interferon alpha-2a (IFNα-2a) đã được phê duyệt là liệu pháp đầu tiên điều trị viêm gan B mạn tính (CHB), mang lại hy vọng mới cho bệnh nhân viêm gan B. Không giống như các loại thuốc kháng virus sau này nhắm trực tiếp vào virus, interferon hoạt động bằng cách tăng cường hệ thống miễn dịch của cơ thể để chống lại virus. Phương pháp điều trị có nhiều tác dụng phụ và tỷ lệ đáp ứng virus bền vững khá thấp. Pegylated interferon (Peg IFNα-2a) ra đời vào năm 2005 đã khắc phục được một số nhược điểm, cải thiện các đặc tính dược động học và lịch tiêm ít phức tạp hơn. Điều này đã cải thiện sự tiện lợi cho bệnh nhân và có khả năng tăng cường sự tuân thủ điều trị. Tuy nhiên, liệu pháp này vẫn con nhiều tác dụng phụ không mong muốn.

– Thuốc kháng virus dạng uống: Lamivudine và các bước tiến tiếp theo (Adefovir, Entecavir, Tenofovir)

Vào năm 1998, Lamivudine, thuốc kháng virus dạng uống đầu tiên ra đời đã mang lại một bước đột phá lớn trong việc điều trị viêm gan B, mang lại sự thuận tiện lớn cho bệnh nhân, giúp tăng tỷ lệ tuân thủ điều trị.

Sau Lamivudine, các thuốc như adefovir, entecavir và tenofovir lần lượt ra đời, cung cấp thêm nhiều lựa chọn điều trị hiệu quả hơn. Entecavir, phê duyệt vào năm 2005, được chứng minh có hiệu quả vượt trội so với Lamivudine và adefovir. Tiếp theo, tenofovir disoproxil fumarate (TDF) ra mắt vào năm 2008 và tenofovir alafenamide (TAF) vào năm 2015 và 2019 tại Việt Nam, mang lại sự cải thiện về tính an toàn, đặc biệt đối với thận và xương, làm tăng hiệu quả trong điều trị viêm gan B.

Các thuốc kháng virus như Lamivudine, Entecavir và Tenofovir hoạt động bằng cách ức chế enzyme polymerase của virus viêm gan B, ngừng sự nhân lên của virus. Điều này giúp giảm tải lượng virus trong cơ thể và ngăn ngừa tổn thương gan. Khác với interferon, những loại thuốc này tác động trực tiếp vào virus, mang lại kết quả điều trị lâu dài và hiệu quả hơn.

Dù cả Tenofovir và Entecavir đều có tác dụng ức chế HBV DNA hiệu quả, nhưng nghiên cứu cho thấy Tenofovir có thể giúp loại bỏ virus hiệu quả hơn. Tuy nhiên, đối với một số bệnh nhân, interferon vẫn là lựa chọn tốt, đặc biệt khi mục tiêu là đạt được sự chuyển đổi huyết thanh, giúp loại bỏ hoàn toàn virus trong cơ thể. Mỗi phương pháp đều có ưu điểm riêng, và lựa chọn phương pháp phù hợp tùy thuộc vào tình trạng và nhu cầu điều trị của bệnh nhân. Việc lựa chọn liệu pháp phù hợp cần sự tư vấn kỹ lưỡng của bác sĩ chuyên khoa để đảm bảo hiệu quả điều trị tốt nhất.

thuốc tenofovir điều trị viêm gan b
Thuốc Tenofovir điều trị viêm gan B

4. Tiến bộ lịch sử trong điều trị viêm gan B tại Việt Nam

– Đẩy mạnh phác đồ điều trị viêm gan B tại Việt Nam

Vào năm 2015, Bộ Y tế Việt Nam đã ban hành các hướng dẫn quốc gia về chẩn đoán và điều trị viêm gan B mạn tính, mang đến sự chuẩn hóa trong cách tiếp cận bệnh lý này trên toàn quốc. Tuy nhiên, những hướng dẫn đầu tiên yêu cầu xét nghiệm phức tạp và tốn kém, điều này đã làm tăng gánh nặng cho các cơ sở y tế, đặc biệt là ở những vùng sâu vùng xa. Nhằm khắc phục khó khăn này, các khuyến nghị mới về xét nghiệm viêm gan B đã được ban hành vào năm 2020, giúp cải thiện quá trình chẩn đoán. Đồng thời, việc đưa Tenofovir alafenamide (TAF) vào các phác đồ điều trị từ năm 2019 đã giảm thiểu độc tính dài hạn của Tenofovir disoproxil fumarate (TDF), mang đến cơ hội điều trị hiệu quả và an toàn hơn cho bệnh nhân.

Vào năm 2021, Việt Nam đã ban hành chiến lược quốc gia mới về loại trừ viêm gan B và C cho giai đoạn 2021-2025. Mục tiêu của chiến lược này là giảm tỷ lệ nhiễm viêm gan virus trong cộng đồng và hướng tới loại trừ bệnh trong một thời gian tới. Để đạt được mục tiêu này, chiến lược tập trung vào việc tăng cường xét nghiệm, tiêm chủng cho các nhóm đối tượng có nguy cơ cao, cũng như cải thiện khả năng tiếp cận dịch vụ chăm sóc sức khỏe. Đây là bước đi quan trọng trong việc thực hiện cam kết quốc gia trong công tác phòng, chống bệnh viêm gan B và C.

– Những đóng góp nổi bật trong nghiên cứu và giám sát

Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương, Bệnh viện Chợ Rẫy và Bệnh viện Bạch Mai đã có những đóng góp nổi bật trong việc nghiên cứu và giám sát viêm gan B. Chương trình giám sát trọng điểm về viêm gan virus tại Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương được triển khai vào năm 2017 và đã mở rộng ra Bệnh viện Chợ Rẫy từ năm 2018. Những bệnh viện này đã giúp hiểu rõ hơn về dịch tễ học viêm gan B và hỗ trợ cải thiện công tác điều trị và phòng ngừa. Nghiên cứu tại Bệnh viện Bạch Mai theo dõi diễn biến bệnh ở 127 bệnh nhân viêm gan B mạn tính chưa điều trị, cung cấp thông tin quan trọng về sự phát triển tự nhiên của bệnh. Điều này góp phần vào việc hiểu sâu hơn về động lực học của virus HBV, hỗ trợ cho công tác phòng chống viêm gan B ở Việt Nam.

– Điều chỉnh và áp dụng các tiêu chuẩn quốc tế phù hợp với điều kiện Việt Nam

Các hướng dẫn điều trị viêm gan B tại Việt Nam được xây dựng dựa trên các khuyến nghị của WHO, nhằm đảm bảo người bệnh Việt Nam tiếp cận được các phương pháp điều trị tiên tiến nhất. Tuy nhiên, để đáp ứng được nhu cầu thực tế, Việt Nam đã phải điều chỉnh các tiêu chuẩn này cho phù hợp với điều kiện và nguồn lực địa phương. Những điều chỉnh này đặc biệt quan trọng đối với các vùng nông thôn, nơi mà việc tiếp cận dịch vụ y tế còn gặp nhiều khó khăn. Những nỗ lực này thể hiện cam kết của Việt Nam trong việc cung cấp các biện pháp điều trị hiệu quả và phù hợp với từng đối tượng bệnh nhân.

5. Những tiến bộ trong điều trị viêm gan B trên thế giới

– Các cột mốc quan trọng trong điều trị viêm gan B của WHO

Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) đã công nhận vắc xin viêm gan B là “vắc xin ngừa ung thư đầu tiên”, điều này chứng tỏ tác dụng mạnh mẽ trong việc phòng ngừa ung thư gan. WHO đã đặt ra mục tiêu loại trừ viêm gan virus vào năm 2030, với những mục tiêu tham vọng như giảm 90% ca nhiễm mới và giảm 65% số ca tử vong. WHO khuyến nghị tiêm vắc xin cho trẻ sơ sinh trong vòng 24 giờ sau sinh, một bước quan trọng để ngăn ngừa lây truyền từ mẹ sang con. Hướng dẫn điều trị viêm gan B của WHO cũng được cập nhật liên tục, với các tiêu chí điều trị mở rộng và khuyến nghị dự phòng bằng thuốc cho phụ nữ mang thai.

– Tiến bộ trong điều trị viêm gan B của Hoa Kỳ

Hoa Kỳ đã có những bước tiến lớn trong việc tiêm chủng và điều trị viêm gan B. Từ năm 1982, 2. Trung tâm kiểm soát và phòng ngừa dịch bệnh (CDC) đã bắt đầu tiêm chủng cho các nhóm có nguy cơ cao, và đến năm 2005, tiêm chủng phổ cập cho trẻ sơ sinh được triển khai rộng rãi. Viện chăm sóc sức khoẻ quốc gia (NIH) cũng đưa ra các khuyến nghị về việc sử dụng liệu pháp nucleos(t)ide cho những bệnh nhân viêm gan B mạn tính có biến chứng gan. Điều này giúp đưa ra quyết định điều trị chính xác cho từng nhóm bệnh nhân. CDC cũng khuyến nghị xét nghiệm viêm gan B cho tất cả người trưởng thành ít nhất một lần trong đời, nhằm phát hiện sớm và ngăn ngừa biến chứng.

– Các chiến lược của Châu Âu

Tại Châu Âu, trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa dịch bệnh (ECDC) theo dõi sát sao các quốc gia thành viên EU/EEA trong nỗ lực loại trừ viêm gan B, đặc biệt qua các chương trình tiêm chủng cho trẻ em và các biện pháp giảm tác hại cho những người tiêm chích ma túy. Tuy nhiên, ECDC cũng nhận thấy một số thách thức lớn, như tỷ lệ bao phủ tiêm chủng chưa đạt mức tối ưu và các rào cản trong xét nghiệm và điều trị cho một số nhóm dân cư. Điều này cho thấy công tác phòng ngừa và điều trị ở Châu Âu vẫn cần phải tiếp tục cải thiện và mở rộng để đạt được các mục tiêu loại trừ.

Mặc dù các quốc gia ở Hoa Kỳ, Châu Âu và Việt Nam đã có những bước tiến khác nhau trong việc phát triển vắc xin và thuốc điều trị viêm gan B, nhưng tất cả đều chia sẻ mục tiêu chung là ngăn ngừa và điều trị bệnh hiệu quả. Hoa Kỳ và Châu Âu đã sớm áp dụng vắc xin và các liệu pháp kháng virus từ cuối những năm 1990. Các chương trình tiêm chủng và chính sách sàng lọc ở mỗi khu vực phản ánh ưu tiên và nguồn lực y tế khác nhau. Tuy nhiên, tất cả đều cho thấy sự hợp tác quốc tế mạnh mẽ trong nghiên cứu và phát triển phương pháp điều trị, mang lại hy vọng lớn cho việc loại trừ viêm gan B trên toàn cầu.

6. Lời kết

Viêm gan B là một căn bệnh có thể kiểm soát được nếu chúng ta hành động kịp thời. Nhờ những tiến bộ trong điều trị và phòng ngừa, viêm gan B không còn là mối đe dọa như trước nữa. Tuy nhiên, điều quan trọng là chúng ta phải chú ý đến sức khỏe của mình và khám định kỳ. Việc phát hiện bệnh sớm là chìa khóa quan trọng giúp tăng hiệu quả điều trị và giảm chi phí điều trị. Nếu bạn chưa mắc bệnh, hãy tiêm vắc xin để bảo vệ sức khỏe. Nếu đã nhiễm, đừng chần chừ, hãy điều trị sớm và tuân thủ đúng phác đồ điều trị.

Nếu bạn đang lo lắng về viêm gan B hoặc cần tư vấn, đừng ngần ngại liên hệ với Phòng khám chuyên khoa – Công ty CP Bệnh Viện Gan Tâm Đức. Chúng tôi luôn sẵn sàng giúp bạn tìm ra phương án điều trị phù hợp và đồng hành với bạn trên con đường bảo vệ sức khỏe gan.

PHÒNG KHÁM CHUYÊN KHOA GAN TÂM ĐỨC

✧ Địa chỉ: 229 Nguyễn Chí Thanh, Phường 12, Quận 5, TP. Hồ Chí Minh

✧ Điện thoại: (028) 62675991

📞 HOTLINE tư vấn và đặt hẹn: 0967888943

✧ Zalo: 0967888943

✧ Email: [email protected]

✧ Facebook: Chuyên khoa Gan Tâm Đức

Bạn có thể để lại số điện thoại tại đây. Chúng tôi sẽ nhanh chóng gọi cho bạn.

Nguồn tham khảo:

  • Wikipedia
  • Bộ Y tế Việt Nam
  • Tổ chức Y tế Thế giới (WHO)
  • Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh Hoa Kỳ (CDC)
  • Viện chăm sóc sức khoẻ quốc gia Hoa Kỳ (NIH)
  • Trung tâm Phòng ngừa và Kiểm soát Dịch bệnh Châu Âu (ECDC)

Hashtag: #viemganb #dieutriviemganb #lichsuviemganb #vaccineviemganb #vacxinviemganb #thuockhangvirus #ytecongdong #suckhoegan #phongnguaviemganb #tienboyhoc #vietnamchongviemganb #gantamduc #ykhoatamduc

5/5 - (6 bình chọn)

Bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Scroll to Top