Khi bị bệnh sán lá gan, người bệnh tuyệt đối không tự ý sử dụng hoặc tự ý ngưng hay tăng, giảm liều thuốc điều trị. Việc không tuân thủ điều trị không những khiến bệnh không khỏi mà còn khiến việc điều trị trở nên khó khăn hơn do nguy cơ kháng thuốc.
1. Sơ lược về sán lá gan
Sán lá gan gây bệnh cho người có hai loại là sán lá gan nhỏ và sán lá gan lớn. Về hình dáng chúng giống nhau, chỉ khác nhau về kích thước, sán lá gan lớn có kích thước lớn hơn nhiều sơ với sán lá gan nhỏ.
Sán lá gan là một loại sán phân bố trên toàn thế giới, đặc biệt phổ biến ở các vùng nông thôn nhiệt đới và ôn đới. Chúng thường sống trong gan của gia súc như bò, dê, cừu và có thể lây lan đến con người thông qua thực phẩm chưa chín, ăn các loại rau sống (đặc biệt là rau mọc ở dưới nước) hoặc nước uống bị ô nhiễm. Khi con người nhiễm sán lá gan, chúng gắn kết và xâm nhập vào mô gan, gây ra các triệu chứng như sốt, đau bụng, buồn nôn, chán ăn và suy giảm sức khỏe, tình trạng bệnh lý phụ thuộc vào số lượng sán nhiễm, thời gian mắc nhiễm, vị trí ký sinh và phản ứng của người bệnh.
2. Sán lá gan gây ra những biến chứng gì và có nguy hiểm không?
Sán lá gan ở người là bệnh nguy hiểm, gây nhiều biến chứng làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe người bệnh.
– Nhiễm sán lá gan lớn:
- Khi nhiễm sán lá gan lớn, sau khi vào dạ dày, tá tràng, các vỏ nang trùng sẽ giải phóng ra các ấu trùng. Các ấu trùng này xuyên qua thành tá tràng, vào ổ bụng rồi di chuyển đến sinh trưởng và phát triển ở nhu mô gan. Trong quá trình ký sinh ở gan, sán lá gan tiết ra các chất độc làm phá hủy nhu mô gan, gây áp xe gan.
- Sau khoảng 2 – 3 tháng phát triển ở nhu mô gan, sán có thể chui vào đường mật, tiếp tục phát triển và đẻ trứng trong một khoảng thời gian rất dài. Nếu không được phát hiện và điều trị, sán lá gan lớn có thể gây bệnh ung thư đường mật.
- Một số ít trường hợp, ấu trùng sán lá gan lớn di chuyển lạc chỗ và gây bệnh ở một số cơ quan khác như da, cơ, khớp, vú, dạ dày, đại tràng,…
– Nhiễm sán lá gan nhỏ
- Sán lá gan nhỏ sau khi xâm nhập vào nhu mô gan, sán non sẽ phát triển thành sán trưởng thành và đẻ trứng trong các đường dẫn mật.
- Sán lá gan nhỏ ký sinh trong những ống dẫn mật trong gan, mỗi sán lá gan nhỏ có hai mồm hút, bám chặt trong gan để chiếm thức ăn, gây những tổn thương nghiêm trọng ở gan và ống mật như xơ gan, tắc mật, xơ cứng ống dẫn mật,…
- Nếu không được điều trị, bệnh sán lá gan nhỏ có thể gây xơ gan cổ trướng, áp xe gan thoái hóa, đây là những bệnh lý rất nặng, nguy cơ tử vong cao.
3. Dùng thuốc trị sán lá gan như thế nào?
Điều trị sán lá gan chủ yếu là điều trị nội khoa với các thuốc diệt ký sinh trùng. Các thuốc cần được chỉ định sớm và đúng liều.
Triclabendazole là loại thuốc đầu tay, điều trị đặc hiệu sán lá gan lớn với liều 10mg/kg, uống liều duy nhất.
Praziquantel là thuốc đặc hiệu điều trị cho sán lá gan nhỏ, liều lượng 75mg/kg, được chỉ định dùng trong vòng 1-2 ngày tùy theo mức độ nhiễm bệnh, uống 3 lần 1 ngày, mỗi lần cách nhau 4-6 giờ. Uống thuốc diệt sán sau khi ăn no. Cần chú ý các đối tượng chống chỉ định dùng thuốc như phụ nữ mang thai và cho con bú, người đang trong giai đoạn cấp tính của các bệnh gan mật hoặc các bệnh lý cấp tính khác như suy gan, suy tim, suy thận cấp, kỹ sư vận hành máy móc, người dị ứng với các thành phần của thuốc. Đau đầu, buồn nôn nôn mửa, nổi mẩn ngứa, đau vùng gan có thể là các tác dụng không mong muốn của thuốc, thường chỉ thoáng qua ngay sau khi uống thuốc và không cần xử trí gì.
Corticosteroid được chỉ định trong giai đoạn cấp tính của bệnh khi các triệu chứng trở nên nghiêm trọng hơn. Thuốc chỉ nên dùng trong thời gian ngắn, và phải có sự hướng dẫn của bác sĩ.
Thuốc kháng sinh được sử dụng khi có nhiễm trùng.
4. Những lưu ý khi dùng thuốc điều trị sán lá gan
Khi sử dụng thuốc điều trị sán lá gan, cần lưu ý các điểm sau để đảm bảo hiệu quả và an toàn:
- Tuyệt đối tuân thủ chỉ định và hướng dẫn của bác sĩ hoặc nhà thuốc khi sử dụng thuốc điều trị.
- Đọc kỹ hướng dẫn sử dụng, liều lượng sử dụng của thuốc trước khi bắt đầu điều trị.
- Uống thuốc đúng liều lượng và thời gian quy định. Đừng tăng hoặc giảm liều lượng mà không có sự chỉ định của bác sĩ.
- Khi sử dụng thuốc, lưu ý có thể xuất hiện tác dụng phụ như buồn nôn, mệt mỏi, hoặc dị ứng. Nếu có bất kỳ tác dụng phụ nào, cần thông báo ngay cho bác sĩ.
- Tránh uống thuốc cùng lúc với các loại thực phẩm hoặc đồ uống có thể ảnh hưởng đến sự hấp thu của thuốc. Hỏi ý kiến bác sĩ hoặc nhà thuốc nếu có bất kỳ thắc mắc nào về điều này.
- Khi điều trị sán lá gan, nên duy trì một lối sống lành mạnh, bao gồm chế độ ăn uống cân đối và vệ sinh cá nhân tốt.
Tóm lại, sán lá gan là một vấn đề sức khỏe nghiêm trọng có thể gây ra nhiều biến chứng. Tuy nhiên, bệnh sán lá gan có thể điều trị khỏi hoàn toàn nếu có phác đồ điều trị thích hợp và người bệnh tuân thủ đúng chỉ định của bác sĩ. Trong quá trình dùng thuốc nếu thấy bất kỳ một biểu hiện nào khác thường, người bệnh cần liên hệ ngay với bác sĩ điều trị để được tư vấn xử lý kịp thời.