Trào ngược dịch mật nếu không được điều trị có thể dẫn tới nhiều biến chứng nguy hiểm như trào ngược thực quản dạ dày, viêm loét thực quản và ung thư thực quản… Cụ thể như thế nào, mời Quý vị theo dõi nội dung dưới đây.

1. Sơ lược về trào ngược dịch mật
Dịch mật là dịch tiêu hóa được gan sản xuất ra, bên ngoài có màu vàng dục, dạng dịch lỏng. Dịch mật có màu vàng hoặc hơi xanh, có vị đắng và tính kiềm (độ pH từ 7 – 7,7).
Mỗi ngày, gan tiết ra khoảng 700 – 800ml dịch mật, đưa qua ống dẫn mật, cô đặc lại và được dự trữ trong túi mật. Đến bữa ăn, túi mật sẽ co bóp, chuyển dịch mật từ túi mật vào tá tràng để thực hiện nhiệm vụ tiêu hóa thức ăn. Lượng dịch mật được tiết ra nhiều hay ít phụ thuộc vào lượng mỡ trong thức ăn. Nếu không có mỡ trong thức ăn thì sự bài tiết dịch mật sẽ giảm.
Dịch mật tiêu hóa chất béo, giúp cơ thể hấp thụ các vitamin tan trong dầu như A, D, E,K; đồng thời kích thích tăng tiết và hoạt hóa dịch ruột, dịch tụy; tạo môi trường kiềm ở ruột, kích thích nhu động ruột và ức chế hoạt động của các vi khuẩn lên men thối; Dịch mật còn có vai trò loại bỏ bilirubin (sản phẩm thoái hóa của hemoglobin trong hồng cầu).

Giữa dạ dày và tá tràng có van môn vị làm nhiệm vụ mở ra khi có thức ăn cần đưa xuống ruột và đóng lại ngay để không cho dịch thức ăn từ ruột trào ngược vào dạ dày. Tuy nhiên, nếu vì một nguyên nhân nào đó mà van môn vị đóng không kín hoặc đóng mở không đúng lúc thì dịch mật từ tá tràng sẽ trào ngược lên dạ dày. Trong trường hợp van tâm vị mở, dịch mật có thể trào ngược lên thực quản. Đây là hiện tượng trào ngược dịch mật.

➤ Bạn có thể tìm hiểu thêm về trào ngược dịch mật tại bài viết: Trào ngược dịch mật là gì ?
2. Các dấu hiệu của trào ngược dịch mật
- Đau bụng vùng thượng vị, đau tức hoặc đau từng cơn, có cảm giác nóng rát, cồn cào vùng ngực và bụng trên;
- Ợ nóng, đắng miệng;
- Ho khan, khàn giọng do dịch mật trào ngược từ tá tràng, dạ dày lên thực quản;
- Nôn ra chất lỏng xanh vàng, đắng họng (triệu chứng đặc hiệu gợi ý trào ngược dịch mật);
- Đầy bụng, chậm tiêu và sụt cân.
3. Nguyên nhân gây ra bệnh trào ngược dịch mật
Có nhiều nguyên nhân gây ra bệnh trào ngược dịch mật, trong đó có một số nguyên nhân thường gặp sau:
- Loét dạ dày – tá tràng: Bệnh lý này làm hoạt động của dạ dày bị đình trệ, thức ăn không được tiêu hóa mà ứ đọng lâu trong dạ dày, làm tăng áp lực dạ dày, khiến cơ môn vị và cơ tâm vị yếu, dễ gây trào ngược dịch mật;
- Biến chứng sau phẫu thuật túi mật: Các nghiên cứu cho thấy có sự gia tăng nguy cơ trào ngược dịch mật ở những bệnh nhân đã phẫu thuật cắt bỏ túi mật.
- Biến chứng sau phẫu thuật cắt dạ dày: Sau các thủ thuật can thiệp ở dạ dày như cắt bỏ một phần dạ dày hoặc phẫu thuật cắt dạ dày để giảm cân ở người béo phì, van môn vị có thể sẽ hoạt động không ổn định, gây hiện tượng đóng không khít, tạo điều kiện để dịch mật từ tá tràng trào ngược lên dạ dày;
4. Các biến chứng nguy hiểm nguy hiểm của trào ngược dịch mật
Trào ngược dịch mật là một bệnh khá nguy hiểm, nếu không được điều trị kịp thời và điều trị đúng, bệnh có thể gây ra các biến chứng nguy hiểm sau:
- Khi dịch mật trào ngược từ tá tràng lên dạ dày sẽ gây tình trạng viêm niêm mạc dạ dày.
- Trào ngược dịch mật cũng là một trong những nguyên nhân hàng đầu gây trào ngược dạ dày – thực quản.
- Khi dịch mật trào ngược lên vùng thực quản và ngã ba hầu họng, bệnh nhân sẽ có cảm giác đắng miệng, nôn ra dịch xanh – vàng, có thể bị ho, phù nề dây thanh và gây mất tiếng,…
- Nghiêm trọng hơn, người bệnh có nguy cơ mắc barrett thực quản, ung thư thực quản, ung thư dạ dày,…
Hiện nay, điều trị bằng thuốc và phẫu thuật là hai phương án được ưu tiên sử dụng. Để xác định phác đồ chữa trị phù hợp, bác sĩ sẽ kiểm tra tình trạng sức khỏe của bệnh nhân và đánh giá mức độ ảnh hưởng khi dịch mật bị trào ngược.
Khi thấy có các dấu hiệu của trào ngược dịch mật, người bệnh cần sớm tới khám tại các cơ sở y tế uy tín chuyên về bệnh lý tiêu hoá – gan mật để được chẩn đoán và điều trị kịp thời.