Kháng thể viêm gan B tồn tại bao lâu sau khi tiêm vắc xin ngừa viêm gan B là câu hỏi mà rất nhiều người quan tâm trong quá trình thăm khám tại Phòng khám chuyên khoa – công ty CP Bệnh Viện Gan Tâm Đức. Trong nội dung dưới đây, chúng tôi sẽ cùng Quý vị tìm hiểu vấn đề này.

1. Kháng thể viêm gan B là gì?
Trước khi trả lời câu hỏi “Kháng thể viêm gan B tồn tại bao lâu?”, chúng ta cần hiểu về kháng thể viêm gan B.
Kháng thể viêm gan B là những kháng thể mà cơ thể tạo ra để chống lại kháng nguyên bề mặt của virus gây bệnh viêm gan B (kháng nguyên có tên là HBsAg). Hiểu ngắn gọn là nếu cơ thể có kháng thể viêm gan B ở một nồng độ đủ lớn thì sẽ được bảo vệ và không bị nhiễm virus gây viêm gan B. Do đó, trong điều trị dự phòng viêm gan B, định lượng kháng thể có ý nghĩa rất quan trọng.
Để biết cơ thể đã có kháng thể viêm gan B hay chưa và lượng kháng thể viêm gan B (nếu có) là bao nhiêu, bạn cần làm xét nghiệm Anti-HBs (Chỉ số kháng thể chống lại kháng nguyên trên bề mặt gan).
Nếu kết quả xét nghiệm cho thấy bạn đã có kháng thể viêm gan B, nghĩa là:
- Bạn đã từng nhiễm virus viêm gan B và đã khỏi.
- Hoặc bạn đã tiêm vắc xin ngừa viêm gan B.
Nếu bạn muốn có kháng thể viêm gan B một cách an toàn thì cách duy nhất là tiêm vắc xin ngừa bệnh viêm gan B.
🞂 Tìm hiểu thêm về kháng thể viêm gan B tại bài viết: Kháng thể viêm gan B bao nhiêu là tốt ?
2. Kháng thể viêm gan B tồn tại bao lâu ?
Qua các nghiên cứu, sau khi tiêm vắc xin phòng viêm gan B, đa số người được tiêm vắc xin sẽ có kháng thể sau 21 ngày, một số ít người sẽ chưa có kháng thể viêm gan B và cần đợi tiêm xong mũi 2, mũi 3 mới có kháng thể.
Khi đã tiêm đủ 3 hoặc 4 mũi vắc xin viêm gan B, đa số người được tiêm sẽ có kháng thể viêm gan B. Tuy nhiên, lượng kháng thể này sẽ giảm dần theo thời gian. Sau khoảng 3-5 năm tùy cơ địa mỗi người mà lượng kháng thể viêm gan B sẽ có thể giảm xuống dưới 10 mIU/ml, lúc này bạn sẽ cần tiêm nhắc lại vắc xin phòng viêm gan B.
Ở người lớn, để đảm bảo lượng kháng thể luôn đủ cao để bảo vệ cơ thể khỏi virus viêm gan B, các chuyên gia y tế khuyến cáo nên tiêm nhắc lại 01 mũi vắc xin viêm gan B sau khoảng 4-5 năm kể từ đợt tiêm phòng viêm gan B đầy đủ theo phác đồ chuẩn trước đó.
Những người đã tiêm vắc xin nhưng không đủ liều theo lịch tiêm chủng cần được kiểm tra xét nghiệm kháng thể antiHBs và tiêm những mũi theo lịch bổ sung hoặc thậm chí nếu không tạo được kháng thể thì phải tiêm vắc xin lại từ đầu theo phác đồ chuẩn.
3. Lịch tiêm phòng viêm gan B
– Tiêm vắc xin viêm gan B cho người lớn
Trước khi tiêm vắc xin viêm gan B, bạn cần làm xét nghiệm HBsAg và Anti-HBs để xác định có bị nhiễm virus hay đã có kháng thể kháng virus hay chưa hoặc nồng độ kháng thể viêm gan B có còn đủ để bảo vệ cơ thể không. Kết quả xét nghiệm có thể xảy ra các tình huống sau:
- Nếu bạn đã nhiễm virus viêm gan B (HBsAg dương tính), việc tiêm vắc xin viêm gan B là không có tác dụng.
- Nếu bạn đã có kháng thể viêm gan B và nồng độ kháng thể này dưới 10 mIU/ml, bạn cần tiêm nhắc lại 01 mũi vắc xin viêm gan B.
- Nếu bạn chưa nhiễm virus viêm gan B (HBsAg âm tính) và chưa có kháng thể viêm gan B (Anti-HBs âm tính) thì bạn cần tiêm vắc xin viêm gan B càng sớm càng tốt.
Lịch tiêm vắc xin viêm gan B cho người lớn như sau:
- Nếu tiêm 03 mũi: Mũi thứ hai cách mũi thứ nhất 01 tháng và mũi thứ ba cách mũi thứ hai 05 tháng.
- Nếu tiêm 04 mũi: 03 mũi đầu tiêm liên tiếp cách đều nhau 01 tháng. Sau đó tiêm mũi cuối sau 01 năm kể từ khi tiêm liều thứ ba.
Sau mỗi lần tiêm, bạn nên ngồi lại nơi tiêm phòng để theo dõi ít nhất 30 phút. Khi về nhà, bạn nên để chú ý phản ứng của cơ thể như: đau, đỏ, sưng tại nơi tiêm,… hay các biểu hiện nặng hơn như: khó thở, tụt huyết áp, sốt cao,… Khi có bất kỳ vấn đề gì bất thường cần đến ngay cơ sở y tế gần nhất để theo dõi và điều trị.
– Tiêm vắc xin viêm gan B cho trẻ em
Còn đối với trường hợp người mẹ mắc phải viêm gan B thì khả năng lây nhiễm sang trẻ rất cao trong quá trình chuyển dạ. Vì vậy trẻ phải được tiêm vắc xin và huyết thanh kháng viêm B trong vòng 24 giờ đầu sau sinh. Nên thực hiện tiêm cho trẻ càng sớm càng tốt để tăng hiệu lực của vắc xin. Sau đó trẻ sẽ tiêm 3 liều liên tiếp khi đủ 1 tháng, 2 tháng và 3 tháng tuổi. Liều cuối cùng vào 12 hoặc 18 tháng tuổi.