Có lẽ dù bạn đến từ quốc gia nào thì trứng vẫn được coi là thực phẩm quen thuộc trong bữa ăn hàng ngày với hàm lượng dinh dưỡng cao. Cũng chính vì vậy, nhiều người lo lắng rằng liệu người bệnh viêm gan B có nên ăn trứng không?

1. Tổng quan về trứng
Trứng (miền Nam gọi là hột) là sản phẩm động vật từ các loại gia cầm, chim chóc đẻ ra, thường được sử dụng làm nguồn thức ăn cung cấp protein cho con người. Các loại trứng phổ biến nhất là trứng gà, trứng vịt, trứng chim cút (trứng cút) ngoài ra còn có trứng ngỗng, trứng đà điểu…
Xét về cấu tạo, về cơ bản trứng được chia làm 4 bộ phận gồm lòng đỏ, lòng trắng, màng vỏ và vỏ trứng. Xét về dinh dưỡng, các loại trứng nói chung gồm 02 phần là lòng trắng và lòng đỏ với thành phần dinh dưỡng khác nhau:
- Lòng trắng trứng ít calo, giàu protein, canxi có lợi cho xương và răng, chứa selenium ngừa ung thư, không cholesterol tốt cho người bệnh tim. Lòng trắng trứng không hại gì cho sức khỏe, người bị viêm gan có thể ăn lòng trắng trứng bình thường.
- Lòng đỏ trứng gà chứa nhiều cholesterol, do đó nếu ăn nhiều có thể khiến việc bài tiết mật bị giảm hoặc bế tắc, dẫn đến không tiêu hóa hết các chất béo trong thực phẩm, ảnh hưởng xấu đến chức năng hoạt động của gan, khiến chức năng gan bị suy giảm.
2. Vậy người bị viêm gan B có nên ăn trứng không ?
Câu trả lời là tùy tình trạng bệnh và thể trạng của người bệnh. Cụ thể như sau:
- Nếu bệnh viêm gan B ở thể không hoạt động, hoặc ở thể hoạt động mà chức năng gan vẫn bình thường thì mỗi tuần có thể ăn được 2-3 trứng (bao gồm cả trứng gà, trứng vịt và các loại trứng khác).
- Nếu đã bị xơ gan, người bệnh chỉ nên ăn lòng trắng, KHÔNG ĐƯỢC ăn lòng ĐỎ trứng (bao gồm cả trứng gà, trứng vịt và các loại trứng khác).
Bên cạnh đó, nếu người bệnh viêm gan B mắc kèm các bệnh như: Bệnh tim mạch, sỏi mật, suy thận, tiểu đường hoặc đang sốt, đang tiêu chảy thì không nên ăn lòng đỏ trứng. Nếu đang không bị tiêu chảy hay sốt thì người bệnh viêm gan B có thể ăn 1-2 lòng trắng trứng mỗi tuần.