Gan có vai trò quan trọng trong quá trình chuyển hóa, sản xuất dịch mật, tổng hợp protein huyết tương và thải độc, nên nhiều người lo lắng rằng khi hiến gan (cắt đi một phần lá gan để ghép cho người bệnh cần ghép gan) thì sẽ có nhiều ảnh hưởng xấu tới sức khỏe. Đặc biệt, nhiều người lo lắng việc hiến gan sẽ ảnh hưởng tới tính mạng.

1. Sơ lược về hiến gan
Gan là một trong những tạng phủ đóng vai trò chính yếu của cơ thể, nằm ở trong ổ bụng, phía bên phải, có trọng lượng khoảng hơn 01 kg ở người trưởng thành. Gan có chức năng trong việc giúp tiêu hóa thức ăn; lọc máu; trung hòa, thải trừ các độc tố xâm nhập vào cơ thể; dự trữ sắt; chuyển hóa các thuốc uống…
Hiến gan là phẫu thuật cắt đi một phần lá gan của người hiến tặng đủ điều kiện để thay thế phần gan bệnh. Hiến gan có thể là từ người sống hoặc người đã chết não. Hiến gan có thể đem lại sự sống cũng như kéo dài thời gian sống thêm hiệu quả nhất cho bệnh nhân mắc các bệnh gan.
Hiến gan được chỉ định trong một số trường hợp sau:
- Xơ gan giai đoạn cuối (mất bù) đã có biến chứng (nguyên nhân do xơ gan rượu, hoặc viêm gan B mạn)
- Suy gan cấp (Ngộ độc thuốc Paracetamol, Đợt cấp viêm gan virus mạn…)
- Ung thư gan.
2. Hiến gan có chết không ?
Câu trả lời là: Nếu như quá trình cho – nhận gan và theo dõi được thực hiện đúng quy trình thì việc hiến gan không ảnh hưởng tới tính mạng người hiến và cũng không làm giảm tuổi thọ của người hiến.
Gan có khả năng bù trừ rất tốt, nghĩa là khi một số tế bào gan bị tổn thương thì những tế bào gan bình thường còn lại vẫn hoạt động, nên vẫn đảm bảo chức năng của cả cơ thể.
3. Hiến gan có an toàn không ?
Việc hiến gan nói chung là an toàn vì trước khi hiến gan, người cho gan sẽ trải qua những thủ tục và xét nghiệm để đảm bảo người cho đủ các điều kiện để cho gan và điều kiện tiến hành phẫu thuật.
Khi đã đủ điều kiện, bác sĩ sẽ tiến hành cắt 1 phần lá gan để ghép gan cho người nhận. Thời gian tiến hành phẫu thuật cắt gan có thể trong vòng 2,5 – 3 giờ đồng hồ.
Sau phẫu thuật, người cho gan sẽ được điều trị, theo dõi tại bệnh viện trong vòng 1 tuần để đánh giá chức năng gan hồi phục như thế nào. Phần gan còn lại sẽ tăng hoạt động và bù trừ để đạt được chức năng bình thường trong thời gian khoảng 6-8 tuần sau phẫu thuật.
Sau cắt gan 1 tuần thì người hiến có thể ra viện và có những hoạt động bình thường tại nhà. Tuy nhiên, cần lưu ý là không nên hoạt động quá sức trong vòng 1 tháng đầu tiên. Sau 1 tháng có thể trở lại công việc, hoạt động nhẹ nhàng như bình thường. Sau 3 tháng thì có thể làm việc nặng hoặc chơi các môn thể thao yêu thích.
Vấn đề men gan tăng cao sẽ xảy ra trong vòng 1-3 ngày đầu sau khi cắt gan và bình thường trở lại. Sau khoảng 04 tháng, phần gan còn lại của người cho gan sẽ mọc lại đạt thể tích đủ để gan hoạt động bình thường.
4. Hiến gan có rủi ro gì không ?
Việc hiến gan nói chung là an toàn, tuy nhiên, như với bất kỳ cuộc phẫu thuật nào, hiến gan từ người cho sống có thể có các rủi ro ngắn hạn và dài hạn, liên quan đến chức năng gan và tâm sinh lý sau khi hiến tạng.
Người hiến gan có thể gặp các biến chứng, chẳng hạn như: nhiễm trùng, chảy máu, cục máu đông, phần gan còn lại không phát triển đầy đủ… và hiếm gặp là tử vong. Do vậy, người hiến cần lựa chọn các cơ sở y tế đảm uy tín để thực hiện hiến gan (Bệnh viện Việt Đức, Bệnh viện TƯQĐ 108…).
Những người hiến gan cũng có thể gặp phải các vấn đề về sức khỏe tâm lý tinh thần như lo lắng, trầm cảm, một số trường hợp cảm thấy tức giận, phẫn nộ, hối tiếc khi kết quả phẫu thuật ghép cho người nhận không thành công.
Về các rủi ro hay việc theo dõi tình trạng của người hiến vẫn chưa có nhiều thông báo và đang trong quá trình nghiên cứu. Nhìn chung, kết quả từ các dữ liệu sẵn có cho thấy những người hiến đang sống trong tình trạng sức khỏe tốt trong thời gian dài.
Lưu ý: Sau khi xuất viện về nhà, nếu người hiến gan có các biểu hiện như: Sốt, vàng da, đau bụng và có các biểu hiện bất thường thì cần tới bệnh viện càng sớm càng tốt để được chẩn đoán và xử lý kịp thời.
5. Lời kết
Tóm lại, nếu không may có người thân cần phẫu thuật ghép gan và bạn lựa chọn cắt gan để hiến cho người thân thì bạn cũng không nên lo lắng quá, bởi việc hiến gan này sẽ giúp người thân của bạn vượt qua cơn bạo bệnh và sau phẫu thuật sức khỏe của bạn sẽ nhanh chóng trở lại bình thường.