Các xét nghiệm đánh giá chức năng gan có vai trò quan trọng, giúp các bác sĩ có thể đánh giá sức khỏe của gan cho người bệnh, từ đó đưa ra phác đồ điều trị tốt nhất. Những thông tin dưới đây sẽ giúp Quý vị có thêm những kiến thức cơ bản về các xét nghiệm chức năng gan.
Trong xét nghiệm chức năng gan, hiện có khá nhiều xét nghiệm khác nhau để đánh giá chức năng gan nhưng có 4 chỉ số xét nghiệm men gan quan trọng nhất:
- AST(SGOT)
- ALT(SGPT)
- GGT
- AP
Trong đó, AST và ALT là 2 loại enzym cơ bản nhất có trong men gan tuy nhiên chúng cũng có một lượng nhất định tồn tại trong máu.
Ở người khỏe mạnh, chỉ số men gan bình thường sẽ là:
- Nồng độ AST nằm trong khoảng 20 – 40 UI/L
- Nồng độ ALT nằm trong khoảng 20 – dưới 40 UI/L
Khi các chỉ số cao hơn mức này có nghĩa là gan đang gặp tổn thương. Các trường hợp thường khiến chỉ số men gan cao là viêm gan do virus, mắc bệnh gan nhiễm mỡ, bệnh gan do rượu, bệnh gan do thuốc, nhiễm độc thảo mộc, bệnh gan di truyền, u gan, suy gan,…
GGT và AP hay còn được gọi là men gan mật. Khi người bệnh bị tắc mật hoặc viêm đường mật, chỉ số GGT và AP thường tăng khá cao. Khi bị viêm hoặc tắc đường mật, men GGT và AP có thể bị tràn ra làm cho chỉ số men gan tăng lên rõ rệt – gấp gần 10 lần giá trị bình thường.
Ở người khỏe mạnh, chỉ số men gan bình thường sẽ là:
- Nồng độ AP nằm trong khoảng 35-115 U/L
- Nồng độ GGT nằm trong khoảng 3-60 U/L
Một số trường hợp men GGT và AP tăng cao có thể kể đến như xơ gan mật, bệnh gan nhiễm mỡ ở người không nghiện rượu, viêm đường mật xơ hóa, bệnh gan do rượu, u gan, bệnh gan do thuốc…
Các bác sĩ cũng khuyến cáo, nên thăm khám kiểm tra chức năng gan định kỳ 1 lần/năm với người khỏe mạnh, 2 lần/năm với những đối tượng có các bệnh lý về gan để được theo dõi tình trạng sức khỏe một cách tốt nhất.