ZaloĐặt hẹn

Vị trí của gan trong cơ thể con người

Ai cũng biết gan là cơ quan lớn nhất trong cơ thể và có vai trò sống còn trong việc điều hòa các diễn tiến của sự sống của con người. Tuy nhiên, gan nằm ở vị trí nào trong cơ thể con người thì không phải ai cũng biết.

1. Vị trí của gan trong cơ thể con người

Gan nằm ngay dưới cơ hoành, dưới vòm hoành phải nhưng có một phần lấn sang trái, nằm dưới vòm hoành trái và vùng thượng vị.

Vị trí của gan trong cơ thể con người
Vị trí của gan trong cơ thể con người

Gan nằm ở bên phải ổ bụng và tiếp giáp với nhiều cơ quan khác trong cơ thể: phía trước bên phải giáp với dạ dày, phía sau bên phải giáp với thận phải, phía dưới giáp với ruột non cùng ruột già. Mặt dưới của gan có túi mật.

Bề dưới gan chạy dọc theo cung sườn phải, bắt chéo qua vùng thượng vị và cung sườn trái. Điểm cao nhất của gan ở phía sau xương sườn thứ V bên phải, ngay dưới núm vú. Gan di động theo nhịp thở, theo sự di chuyển của cơ hoành.

2. Chức năng của gan

Từ gan bắt nguồn từ cách phát âm trong tiếng Hán thượng cổ của một từ tiếng Hán được viết bằng chữ Hán là “肝”. Chữ Hán “肝” có âm Hán Việt hiện đại là can.

hình ảnh thực tế gan người bình thường
Hình ảnh thực tế gan người bình thường

Gan là cơ quan nội tạng lớn nhất cơ thể , có màu đỏ sẫm, nặng 1,4-1,6kg chiếm khoảng 2% trọng lượng cơ thể người lớn và 5% trọng lượng cơ thể trẻ em. Gan có khả năng tái sinh rất mạnh, gan có thể tự tái tạo trở lại sau khi bị cắt bỏ một phần.

Về chức năng, gan có vai trò quan trọng sống còn, thực hiện nhiều chức năng thiết yếu cho sự sống:

  • Gan là cơ quan dự trữ: Dự trữ glycogen, lipid, các protein, sắt, vitamin A, vitamin D, vitamin E, vitamin K và vitamin B12. Ngoài ra, gan còn dự trữ sắt từ hemoglobin dưới dạng ferritin để sẵn sàng tạo ra các hồng cầu mới.
  • Chức năng chuyển hóa: Gan thực hiện chức năng chuyển hóa, biến đổi thức ăn thành những chất cần thiết cho sự sống và phát triển.
  • Chuyển hóa carbohydrate: gan lưu trữ carbohydrate dưới dạng glycogen. Khi cơ thể cần, gan sẽ phân hủy glycogen thành glucose giải phóng vào máu để duy trì mức đường máu bình thường.
  • Chuyển hóa chất béo: dịch mật được tiết ra từ gan giúp phá vỡ chất béo, oxy hóa chất béo cung cấp năng lượng cho cơ thể.
  • Chuyển hóa protein: sự chuyển hóa protein ở gan xảy ra rất mạnh mẽ, giúp phá vỡ protein để tiêu hóa.
  • Gan tổng hợp protein: Tế bào gan sản xuất gần 50% lượng protein trong cơ thể.
  • Gan tổng hợp các yếu tố đông máu: trong quá trình đông máu như fibrinogen, phức hệ protrombin, heparin.
  • Gan tổng hợp hormone angiotensinogen: có vai trò điều hòa huyết áp.
  • Gan tổng hợp albumin: là protein phổ biến nhất trong huyết thanh. Albumin giúp vận chuyển acid béo, hormone steroid giúp duy trì áp lực máu và ngăn ngừa rò rỉ mạch máu.
  • Gan sản xuất mật: Mỗi ngày gan tiết ra khoảng 0,5 lít mật. Trong mật gồm có muối mật, sắc tố mật, cholesterol, bilirubin, chất điện giải và nước. Mật có vai trò giúp ruột non phân giải và hấp thụ hất béo, cholesterol và một số vitamin.
  • Các chức năng khác: Gan giúp khử độc, lọc và loại bỏ các chất bất lợi ra khỏi cơ thể, như một số hormone, rượu, các loại thuốc được sử dụng.
  • Chuyển hóa các thuốc: thuốc được hấp thu từ đường tiêu hóa được gan chuyển hóa thành dạng có tác dụng đối với cơ thể.
  • Tạo hồng cầu cho thai nhi: Trong ba tháng đầu của thai kỳ, gan là cơ quan tạo hồng cầu chính của thai nhi. Đến tuần 32 của thai kỳ, tủy xương mới bắt đầu đảm nhận chức năng này.
  • Gan là một bộ phận của hệ miễn dịch: Gan chứa một số lượng lớn các tế bào Kupfler (đại thực bào) giúp ngăn chặn, phá hủy các tác nhân gây bệnh xâm nhập vào gan và ruột.
  • Cân bằng hormone trong cơ thể: Gan giúp duy trì sự cân bằng các hormone trong cơ thể.

3. Các bệnh lý của gan

Rất nhiều bệnh lý của gan có biểu hiện triệu chứng vàng da do sự tăng cao nồng độ bilirubin trong máu. Bilirubin là sản phẩm của quá trình giáng hóa hemoglobin từ những tế bào hồng cầu chết. Thông thường thì gan loại bỏ bilirubin ra khỏi dòng máu và tiết vào ruột theo mật.

  • Viêm gan là hiện tượng viêm của gan gây nên do rất nhiều virus khác nhau và một số độc chất, các bệnh tự miễn hoặc di truyền.
  • Xơ gan là sự hình thành tổ chức xơ trong gan thay thế cho nhu mô gan bị chết. Nguyên nhân gây chết tế bào gan có thể kể như viêm gan virus, ngộ độc rượu hoặc một số hóa chất độc hại với gan khác.
  • Nhiễm huyết sắc tố là một bệnh di truyền gây nên sự tích trữ sắt trong cơ thể và cuối cùng có thể đưa đến tổn thương gan.
  • Ung thư gan: ung thư gan tiên phát hoặc ung thư đường mật và ung thư di căn, thường là từ ung thư của đường tiêu hóa.
  • Bệnh Wilson: một bệnh lý di truyền gây nên sự tích trữ quá mức kim loại đồng trong cơ thể.
  • Viêm đường mật xơ hóa tiên phát: một bệnh lý viêm của đường mật có bản chất tự miễn.
  • Xơ gan mật tiên phát: bệnh tự miễn của các đường dẫn mật nhỏ.
  • Hội chứng Budd-Chiari: tắc nghẽn tĩnh mạch gan.
  • Hội chứng Gilbert: một rối loạn di truyền của quá trình chuyển hóa bilirubin, hiện diện khoảng 5% dân số.
  • Cũng có nhiều bệnh lý nhi khoa liên quan đến gan như teo đường mật bẩm sinh, thiếu alpha-1 antitrypsin, hội chứng Alagille và ứ mật trong gan tuần tiến có tính chất gia đình.
  • Một số xét nghiệm chức năng gan nhằm đánh giá chức năng gan. Các xét nghiệm này khảo sát sự hiện diện của một số enzyme trong máu mà bình thường chúng hiện diện với mức độ lớn trong gan.

Nguồn: Y Dược 365

5/5 - (1 bình chọn)

Bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Scroll to Top