Ước tính hàng triệu người trên toàn thế giới bị các vấn đề liên quan đến gan mỗi năm. Trong đó, bilirubin trực tiếp và gián tiếp đóng vai trò quan trọng trong việc chẩn đoán và đánh giá sức khỏe gan của con người. Bài viết này sẽ giúp bạn hiểu rõ hơn về hai chỉ số quan trọng này và ý nghĩa của chúng đối với cơ thể.
1. Bilirubin là gì?
Bilirubin là một chất màu vàng da cam được tạo ra trong cơ thể khi hồng cầu cũ bị phá hủy. Sau đó, bilirubin đi qua gan, một lượng nhỏ được tái hấp thu trở về máu, đại bộ phận sẽ được thải trừ trong đường mật và vào ruột, cuối cùng ra khỏi cơ thể qua phân (chủ yếu) và một lượng nhỏ có trong nước tiểu.
Bilirubin toàn phần trong phần huyết thanh bao gồm bilirubin gián tiếp (chiếm 80%) và bilirubin trực tiếp (chiếm 20%), có thể viết như sau:
Bilirubin TP = Bilirubin GT + Bilirubin TT
2. Bilirubin gián tiếp
Trước khi đi tới gan, bilirubin ở dạng chưa được kết hợp (bilirubin không liên hợp) hay còn gọi là bilirubin gián tiếp (do cần sử dụng phương pháp gián tiếp để định lượng loại bilirubin này), loại bilirubin này gắn với albumin và không được lọc qua thận.
Bilirubin gián tiếp là một phần của tổng bilirubin. Bilirubin gián tiếp khá độc, không tan trong nước và là dạng vận chuyển của bilirubin trong máu, nó cần phải được gan chuyển đổi thành bilirubin trực tiếp trước khi tiết ra ngoài cơ thể qua mật. Nếu có bất kỳ rối loạn nào trong quá trình chuyển đổi này, bilirubin gián tiếp sẽ tích tụ và gây hại đến cơ thể.
3. Bilirubin trực tiếp
Khi đến gan, bilirubin gián tiếp sẽ được các tế bào gan giữ lại, kết hợp với các glucuronid do gan sản xuất để tạo ra một dạng hòa tan trong nước gọi là bilirubin liên hợp hay còn gọi là bilirubin trực tiếp và bài xuất vào trong đường mật.
Bilirubin trực tiếp là phần còn lại của tổng bilirubin sau khi trừ đi bilirubin gián tiếp và đóng vai trò quan trọng trong quá trình tiết mật. Khi gan không thể tiết ra đủ lượng bilirubin trực tiếp, nó sẽ tích tụ trong cơ thể, gây ra hiện tượng như vàng da và những triệu chứng khác. Đây cũng là chỉ số quan trọng để chẩn đoán các vấn đề về gan.
Khi Bilirubin trực tiếp ra khỏi gan vào trong ruột già, dưới tác động của các vi khuẩn sẽ được chuyển hóa thành urobilinogen rồi thành stercobilin, sau đó được đào thải ra khỏi cơ thể qua phân.
Hiện nay hầu hết các phòng thí nghiệm sẽ đo nồng độ bilirubin trực tiếp, sau đó lấy tổng lượng bilirubin trong cơ thể (bilirubin toàn phần) trừ cho lượng trực tiếp, từ đó sẽ ước tình được lượng bilirubin gián tiếp trong cơ thể.
4. Giá trị bình thường của bilirubin
– Bilirubin toàn phần
- Trẻ sơ sinh có chỉ số bilirubin: < 10 mg/dl hay < 171μmol/L.
- Trên 1 tháng tuổi có chỉ số bilirubin: 0.3 – 1.2 mg/dl hay 5.1 – 20.5 μmol/L.
- Người lớn có chỉ số bilirubin: 0.2 – 1.0 mg/dL hay 3.4 – 17.1 μmol/L.
– Bilirubin trực tiếp
- Bình thường: 0 – 0.4 mg/dl hay 0 – 7 μmol/L
– Bilirubin gián tiếp
- Bình thường: 0.1 -1.0 mg/dL hay 1 – 17 μmol/L
- Tỷ lệ Bilirubin trực tiếp/ Bilirubin toàn phần
- Bình thường: < 20 %.
5. Ảnh hưởng đến sức khỏe
Cả bilirubin trực tiếp và gián tiếp đều đóng vai trò quan trọng trong quá trình chẩn đoán và đánh giá sức khỏe gan và mật. Những chỉ số này cung cấp thông tin đáng tin cậy về chức năng gan, giúp phát hiện sớm các vấn đề liên quan đến gan và giúp điều trị hiệu quả.
Bilirubin cao sẽ cho thấy tỷ lệ hủy hoại tế bào máu đỏ (hồng cầu) sẽ ngày càng tăng cao. Lượng bilirubin trực tiếp hoặc bilirubin gián tiếp tăng cao hơn lượng bình thường sẽ có khả năng chẩn đoán các bệnh lý về gan mật cũng như tình trạng tan máu cao hơn.
Đối với trẻ sơ sinh, việc xác định nhanh chóng nồng độ bilirubin trong máu cũng là một phương pháp quan trọng. Xét nghiệm kịp thời trước khi bilirubin gián tiếp tăng quá cao, có thể vượt qua hàng rào máu-não làm lắng đọng trong hạch nền và nhân não gây tổn thương tế bào não của trẻ. Hậu quả sẽ làm trẻ chậm phát triển trí tuệ, suy giảm khả năng học tập và sự phát triển. Ngoài ra còn khiến trẻ bị mất thính lực, rối loạn vận động mắt hoặc nặng hơn là tử vong …
6. Kết luận
Hiểu rõ về bilirubin trực tiếp và bilirubin gián tiếp là một phần quan trọng trong việc bảo vệ sức khỏe gan và toàn cơ thể. Khi biết được ý nghĩa của hai chỉ số này, bạn sẽ có cơ hội phát hiện sớm và điều trị hiệu quả các vấn đề liên quan đến gan.
Hãy luôn lắng nghe cơ thể và điều chỉnh lối sống hợp lý để duy trì sức khỏe tốt nhất cho bản thân, đồng thời bạn cũng nên đi khám sức khỏe định kỳ tối thiểu mỗi 06 tháng/ lần để nắm rõ tình trạng sức khỏe của mình.